Ngành nông nghiệp họp triển khai Công điện số 1548/CĐ-VPCP

19:27' - 13/09/2024
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 17h ngày 13/9, bão số 3 và mưa lũ đã làm cho 181.476 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 43.513 ha hoa màu bị ngập úng.

Chiều 13/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp nhằm thực hiện Công điện số 1548/CĐ-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) về tình hình hậu quả, thiệt hại do cơn bão và hoàn lưu bão gây ra; các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão sẽ diễn ra vào ngày 15/9, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

 

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, để hoàn thiện báo cáo cũng như phục vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham dự hội nghị trên, các đơn vị phải khẩn trương đánh giá thiệt hại sơ bộ, báo cáo với những giải pháp khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sao cho nhanh và hiệu quả nhất. Các đơn vị tập trung chính vào giải pháp khôi phục sản xuất của ngành.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo, Cục Trồng trọt cần đánh giá thiệt hại với từng loại cây trồng chính (lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp… ), cùng với sự phân loại thiệt hại rõ ràng, đặc biệt là thiệt hại hoàn toàn. Với diện tích bị thiệt hại hoàn toàn (với từng loại cây trồng), giải pháp khôi phục là gì, có thể thay thế trồng cây gì?

"Những diện tích có thể khôi phục được thì phải có hướng dẫn cụ thể với từng loại cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng (điển hình như lúa). Bên cạnh đó, nhu cầu giống các loại để cho khôi phục sản xuất. Có cần đề xuất cấp xuất giống cây trồng từ dự trữ quốc gia hay không?", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ.

Với Cục Chăn nuôi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu cần tính đến kinh phí hỗ trợ khẩn cấp để người chăn nuôi mua con giống, vật tư sản xuất. Cục Thú y cần tính đến nhu cầu các loại thuốc, vật tư phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường… cho động vật và nuôi trồng thủy sản.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu, các đơn vị khi hướng dẫn khôi phục sản xuất cần có hướng dẫn người dân, địa phương mua cây trồng, vật nuôi thế nào, ở đâu, để đảm bảo hiệu quả khôi phục sản xuất, để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho cuối năm. Các đơn vị cũng cần kết nối với các vị cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất… để cung ứng kịp thời với nhu cầu của người dân.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng  Cục Trồng trọt, với cuộc họp trước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc khắc phục thiệt hại rất khả quan. Song những ngày gần đây, mưa lũ lên cao, mực nước các sông cao nên không tiêu úng được. Thời gian tới, thời tiết nắng nóng trở lại, nếu không tiêu úng được sớm thì nhiều diện tích cây trồng sẽ không khôi phục được.

Cục Trồng trọt sẽ có báo cáo, phân loại trong khôi phục sản xuất từng loại cây trồng chính, cùng với đó là hướng dẫn vệ sinh đồng ruộng.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, có 19 tỉnh bị ảnh hưởng của bão. Thiệt hại chủ yếu là lợn và gia cầm. Với những đàn lợn cứu được thì cần xây dựng chuồng trại tạm, nguồn thức ăn; còn gia cầm nếu đã bị ướt lông sẽ không cứu được do sẽ phát sinh bệnh.

Cục Chăn nuôi đã có văn bản hướng dẫn người chăn nuôi khôi phục sản xuất.  Cục sẽ có báo cáo với các giải pháp chính để khôi phục chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng sau bão và mưa lũ là cần tập trung xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng… Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho cuối năm, Cục Chăn nuôi cũng sẽ có những giải pháp chăn nuôi những động vật ngắn ngày, ông Tống Xuân Chinh cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 17h ngày 13/9, bão số 3 và mưa lũ đã làm cho 181.476 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 43.513 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 23.666 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.997 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 6.996 con gia súc và trên 2 triệu con gia cầm bị chết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục