Ngành sản xuất ô tô đối mặt với "khủng hoảng cầu"

16:31' - 14/05/2020
BNEWS Ngày 13/5, hãng sản xuất xe ô tô Volkswagen (VW) của Đức thông báo ngừng các dây chuyền sản xuất vừa trở lại hoạt động sau nhiều tuần phải đóng cửa do dịch COVID-19.

Lý do hãng đưa ra là nhu cầu tiêu thụ xe tiếp tục giảm. Theo thông báo nội bộ của hãng, hai dây chuyền lắp ráp tại trụ sở của VW ở thành phố Wolfsburg sẽ phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi một dây chuyền khác phải cắt giảm giờ làm 4 ngày trong tháng 5 này. Việc đình chỉ hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến hai mẫu xe Golf và Tiguan.

Giám đốc nhân sự của VW Arne Meiswinkel cho biết động thái trên của hãng là nhằm "sắp xếp hoạt động sản xuất một cách linh hoạt cho phù hợp với những biến động có thể xảy ra của thị trường".

Trên thực tế, các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 đã khiến ngành kinh doanh xe hơi của châu Âu sụt giảm kỷ lục trong các tháng 3 và 4. Vào cuối tháng 4, Chủ tịch hội đồng lao động của VW Bernd Osterloh đã cảnh báo "khách hàng không quan tâm đến việc mua xe" và cho biết các kho chứa xe mới "đã hết sức chứa", trong khi đơn hàng của tập đoàn này "giống như một thảm kịch".

Ngày 13/5, hãng đánh giá tín nhiệm Moody's đã hạ mức dự báo đối với thị trường kinh doanh ô tô toàn cầu, theo đó doanh số bán xe sẽ sụt giảm 20% trong năm 2020. Thị trường châu Âu được dự báo sẽ giảm 30%, trong khi con số này tại thị trường Mỹ là 25%, tuy nhiên thị trường Trung Quốc được cho là sẽ khả quan hơn. 

Các nhà máy của VW tại châu Âu hiện đang hoạt động với khoảng 35-50% công suất, cũng vì vậy mà khoảng 35.000 nhân công của hãng đang bị cắt giảm giờ làm.

Theo đánh giá của chuyên gia Ferdinand Dudenhoeffer thuộc Đại học St Gallen (Thụy Sỹ), cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra đã đe dọa khoảng 100.000 lao động trong ngành xe hơi - một trụ cột của nền kinh tế Đức. Sau dầu mỏ, đến lượt ngành sản xuất ô tô phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục