Ngành sữa gặp khó khăn tác động gì đến Vinamilk?

16:10' - 20/01/2020
BNEWS Năm 2019, giá cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk chỉ tăng 0,72% do tăng trưởng lợi nhuận thấp.
Năm 2019, giá cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk chỉ tăng 0,72% do tăng trưởng lợi nhuận thấp. Ảnh minh họa: TTXVN
Năm 2019, tăng trưởng của ngành sữa thấp hơn kỳ vọng, chỉ tăng 0,5% về vốn hóa thị trường, thấp hơn so với mức tăng 7,7% của VN - Index. Giá cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk cũng chỉ tăng 0,72% do tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 thấp. Đây là nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) trong báo cáo cập nhật ngành sữa mới được công bố.

SSI dẫn báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, lượng tiêu thụ sữa đã bắt đầu ổn định từ quý 2 năm 2019 sau 6 quý giảm liên tiếp kể từ quý 4 năm 2017.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dù ở mức dương nhưng thấp, đạt 2,1 - 3,9% so với năm 2018, chỉ tương đương với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong số các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sản phẩm từ sữa (chiếm 13% tổng sản lượng tiêu thụ hàng FMCG) là một trong những ngành hàng có mức tăng trưởng tiêu thụ kém.

Nhận định về những thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất sữa, các nhà phân tích từ SSI cho rằng, doanh thu qua các kênh thương mại hiện đại đã tăng trưởng hai chữ số trong nhiều quý, tuy nhiên chỉ chiếm 11% trong tổng doanh thu hàng FMCG. Bán hàng thông qua kênh thương mại hiện đại là một mảng đầy thách thức cho các công ty sữa, do cạnh tranh gay gắt và rào cản gia nhập thấp.

Trong khi đó, giá sữa nguyên liệu và giá bán trung bình đều tăng. Theo Global Dairy Trade, giá sữa bột gầy năm 2019 tăng 30% so với năm ngoái và giá sữa bột nguyên kem cũng tăng 4% so với năm ngoái. Để đảm bảo biên lợi nhuận, các sản phẩm từ những thương hiệu lớn như Vinamilk, TH True Milk và Dutch Lady đều đã được tăng giá bán thêm 1-5% vào năm 2019.

Mức chi tiêu cho các mặt hàng FMCG của người tiêu dùng Việt Nam nói chung bắt đầu chững lại khi đã đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản. Thay vào đó, họ thường chuyển sang chi tiêu theo sở thích để thỏa mãn các nhu cầu cao hơn như là ăn, uống tại nhà hàng và chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu nhằm mục đích chung là nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong khi nhu cầu sữa ở thị trường thành thị dường như đã bão hòa, tiêu thụ ở thị trường nông thôn lại biến động lớn do tăng phụ thuộc vào giá mặt hàng nông nghiệp, tùy vào mức thu nhập khả dụng (thu nhập mà các hộ gia đình và doanh nghiệp cá thể còn lại sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế) tại thị trường này quyết định mức chi tiêu cho các sản phẩm FMCG.

Các sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng bao gồm sữa tươi, sữa chua (đặc biệt là sữa chua uống) và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như phô mai, trong khi nhu cầu về sữa công thức tiêu chuẩn và sữa đặc có thể tiếp tục ảm đạm.

SSI cho rằng, các xu hướng mang tính cấu trúc kể trên sẽ tiếp diễn và tác động hơn nữa đến ngành sữa Việt Nam.

Trong 9 tháng năm 2019, VNM đã đạt 42.070 tỷ đồng doanh thu thuần và 8.380 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng lần lượt là 6,4% và 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu trong nước tăng 6,1%, khá sát với ước tính của ban lãnh đạo là 5 - 7% theo sản lượng. Tuy nhiên, kết quả này thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Trong khi đó, doanh thu từ thị trường nước ngoài của VNM trong 9 tháng năm 2019 tăng trưởng tích cực nhờ mảng xuất khẩu trực tiếp tăng trưởng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. So với mức giảm 2,1% trong 9 tháng 2018, kết quả này đánh dấu sự phục hồi đáng kể của thị trường Trung Đông, hiện đang chiếm hơn 85% doanh thu xuất khẩu trực tiếp.

Doanh thu tăng, nhưng biên lợi nhuận gộp của VNM giảm trong 3 quý đầu năm 2019, cụ thể giảm từ 21,1% trong quý 1 năm 2019 xuống còn 18,8% trong quý 3 năm 2019.

Nguyên nhân xuất phát từ giá nguyên liệu bột sữa nguyên kem đã tăng gần 10% kể từ tháng 7/2019 và hơn 17% so với đầu năm. Điều này tạo áp lực lên biên lợi nhuận gộp của VNM trong cuối quý năm 2019 cũng như cả năm 2020.

Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), VNM đã khắc phục tình trạng này bằng việc tăng giá bán một số sản phẩm từ 1% đến 3%. Doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh các dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn như sữa nước, sữa chua và tiết kiệm chi phí đường và dầu bơ.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, do thị trường sữa Việt Nam bắt đầu rơi vào ngưỡng bão hòa nên VNM đang tích cực gia tăng thị phần bằng việc chi nhiều cho quảng cáo, nghiên cứu thị trường và dịch vụ khuyến mãi cho sản phẩm mới.

Vì vậy, chi phí bán hàng của Vinamilk lên đến 3.292 tỷ đồng trong quý 3 năm 2019, tăng 622 tỷ đồng so với đầu năm 2019. Hơn nữa, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay của VNM trong quý 3 năm 2019 cũng tăng cao. Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11% lên 318 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay trong quý 3 năm 2019 lên tới 28 tỷ đồng (tăng 132% so với cùng kỳ năm ngoái) do nợ vay ngắn hạn tăng từ 1.060 tỷ đầu năm lên 4.188 tỷ đồng.

Nguyên nhân VNM gia tăng nợ vay ngắn hạn xuất phát từ việc chi thêm 1.800 tỷ đồng để tăng tỷ sở hữu từ 43% lên 75% và chính thức trở thành công ty mẹ của Công ty cổ phần GTNfoods (GTNfoods).

Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cũng cho rằng, nhìn về tương lai, VNM vẫn có thể gặp rủi ro biến động từ giá nguyên liệu đầu vào; sản phẩm nhập ngoại cạnh tranh trực tiếp với VNM từ các hiệp định thương mại và rủi ro sau mua bán sáp nhập (M&A).

Trên thị trường chứng khoán VNM có giá 117.550 đồng/cổ phiếu khi kết phiên giao dịch đầu năm 2019 (2/1/2019), đến phiên giao dịch cuối năm 2019 (31/12/2019), VNM gần như không biến động khi mức giá là 116.500 đồng/cổ phiếu. Bước sang năm 2020, cổ phiếu này diễn biến lình xình và kết phiên giao dịch ngày 20/1, VNM đứng ở mức giá 119.000 đồng/cổ phiếu. Hiện VNM đang giao dịch ở mức P/E (hệ số giá trên lợi nhuận 1 cổ phiếu) trên 19,39 lần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục