Ngành thép tiến dần đến tự chủ

09:53' - 17/05/2020
BNEWS Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều ngành nghề, doanh nghiệp chịu tác động bất lợi. Doanh nghiệp trong ngành thép cũng không ngoại lệ khi gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.

Để khắc phục khó khăn, vươn lên sau thời điểm dịch bệnh và phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ và các bộ, ngành thì bản thân ngành thép cần phải có sự tự thân vận động, tự chủ cả về công nghệ và nguồn nguyên liệu sản xuất để ứng phó với những khó khăn trong tương lai.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt thách thức do sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép công nghiệp xây dựng, hạ tầng cơ sở, ô tô, xe máy… và sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước.

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm toàn cầu nói chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước quý I/2020 có mức tăng trưởng âm lần lượt là 6% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, giảm 6%; bán hàng thép các loại đạt hơn 5 triệu tấn, giảm 12,4%; xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1 triệu tấn, giảm 21,3% so với cùng kỳ quý I/2019.

Đối với thép xây dựng, lượng hàng xuất bán thấp hơn so với cùng kỳ quý I năm 2019 ở mức 15%; trong đó xuất khẩu giảm 14% và tiêu thụ nội địa giảm 16%.

Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, dịch COVID-19 khiến cho thị trường tắc nghẽn, các doanh nghiệp khó lưu thông hàng hóa. Nhiều công trình và các dự án xây dựng đều bị dừng thi công. Điều này cũng khiến lượng tồn kho của các doanh nghiệp tăng lên, cùng với giá thép ngày càng giảm, trả lãi ngân hàng, chi phí lưu kho bãi… khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất.

Đó là chưa tính tới việc thép Trung Quốc đang được nước này tăng mức hoàn thuế, khiến cho giá bán rẻ hơn, do đó khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thép có nguồn gốc Trung Quốc trên phạm vi quốc tế tăng lên, ông Nguyên cho hay.

Thông tin từ Hiệp hội Thép cho thấy, dự kiến xuất khẩu thép Trung Quốc thời gian tới sẽ tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thị trường thép trong nước sẽ phải đối phó với thép xuất khẩu của Trung Quốc với giá rẻ do Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng mức hoàn thuế đối với 1.084 hàng hóa xuất khẩu lên 13% và với 380 mặt hàng lên 10% kể từ ngày 20/3/2020.

Các sản phẩm thép bao gồm thép hợp kim và không hợp kim như: thép không gỉ, thép thanh, ống thép và các sản phẩm cuối cùng làm bằng thép.

Hiện tại, các sản phẩm thép này hầu hết được hoàn thuế ở mức 9% hoặc 10%, tùy thuộc vào loại hoặc thông số kỹ thuật.

Khi đó, doanh nghiệp trong nước sẽ phải sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cao sẽ cạnh tranh gay gắt với thép thành phẩm giá rẻ của Trung Quốc chào bán.

Ngoài khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, thì việc liên quan tới các vụ kiện phòng vệ thương mại cũng là tương lai mà ngành thép sẽ phải đối mặt nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, năm vừa qua, trong số 15 vụ kiện phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngành thép vẫn chiếm tới 60%. Và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Mặt khác, với thực trạng hiện nay, các doanh nghiệp thép có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, giá thành sản xuất cao sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường.

Theo tính toán, để luyện được một mẻ thép, nhiều doanh nghiệp thép trong nước cần trung bình khoảng 550 đến 690 kWh/tấn, trong khi đó, mức trung bình của thế giới khoảng 360 đến 430 kWh/tấn.

Như vậy, chỉ xét riêng chi phí về điện, sản xuất thép Việt Nam đã cao hơn rất nhiều so với thế giới, nên rất khó cạnh tranh.

Để tránh các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, cũng như giảm thiểu được những tác động do hàng giá rẻ tràn vào thị trường, ngoài việc các cơ quan chức năng hỗ trợ, như: thuế, lãi suất, kiện phòng vệ…, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, “tự chủ” trong nguyên phụ liệu sản xuất, tránh phụ thuộc vào một thị trường quá nhiều, như đã thấy trong đợt dịch bệnh vừa qua.

“Đây vẫn là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng lại là yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp sản xuất thép”, ông Sưa khẳng định.

Doanh nghiệp tự chủ được nguyên liệu sẽ tự chủ được sản xuất, giá bán của sản phẩm… Hiện nay, nhiều công ty thép cũng đang chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, các vấn đề phát sinh liên quan đến nguyên liệu thiên nhiên, tồn kho thành phẩm cao…

Tại xưởng luyện thép của Công ty Thép Miền Nam - VNSTEEL, công ty này đã đầu tư hệ thống sấy liệu giúp loại bỏ tạp chất trước khi cho vào lò điện nhằm đạt chất lượng nấu chảy, đồng thời giảm tiêu hao năng lượng tại lò điện.

Những năm gần đây, qua xử lý phế liệu, kiểm soát vật tư cũng như quản lý về mặt sản xuất, lượng xỉ giảm tương đối rõ rệt.

Bên cạnh đó, các thông số khác như tiêu hao phế liệu cũng có sự chuyển biến mạnh dẫn tới việc giảm đáng kể lượng xỉ lò điện.

Những kết quả tích cực này giúp chất lượng sản phẩm của thép của công ty được nâng lên so với mặt bằng chung của thị trường.

Hay tại Tập đoàn Hòa Phát, nhờ chủ động trong công nghệ sản xuất, đơn vị này tiếp tục có mức tăng trưởng tốt trong tháng 4 vừa qua, dù chịu tác động của dịch COVID-19, với sản lượng thép xây dựng đạt 270.000 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu tăng 17%.

Ngoài thép xây dựng thành phẩm, Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 180.000 tấn phôi, chủ yếu sang Trung Quốc, quốc gia luôn áp đảo ngành thép thế giới.

Để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như: giãn, kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán đồng thời giảm lãi suất giúp doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương thực hiện giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các doanh nghiệp để tránh gây áp lực thêm cho doanh nghiệp, có các chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp…

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung duy trì ổn định các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất Việt Nam có lợi thế; tập trung vào các loại vật liệu cơ bản như thép cán nóng, thép chế tạo, các loại vật liệu mới để đảm bảo tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục