Ngành thủy sản thế giới phục hồi phi thường

07:10' - 18/06/2022
BNEWS Ấn bản "Bản đồ Thủy sản Thế giới" năm 2022 do công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Rabobank (Hà Lan) phát hành mới đây cho thấy ngành thủy sản toàn cầu đang phục hồi phi thường.

Ngoài ra, "Bản đồ Thủy sản Thế giới" cũng dự báo rằng, tính bền vững và nhu cầu đối với các loài thủy, hải sản tươi sống và cao cấp như tôm và cá hồi sẽ tiếp tục thúc đẩy khối lượng thương mại thủy sản giá trị cao trong những năm tới.

 

Gorjan Nikolik, nhà phân tích ngành thủy sản của Rabobank lưu ý, bản đồ mới đã tiết lộ một số thay đổi đáng ngạc nhiên so với bản đồ trước đó, được xuất bản vào năm 2019.

"Bản đồ Thủy sản Thế giới" năm 2022 cho thấy 55 dòng chảy thương mại, mỗi dòng chảy có trị giá trên 400 triệu USD/năm và thêm 19 dòng chảy thương mại có giá trị trên 200 triệu USD/năm, cho thấy tính chất đa dạng của ngành thương mại thủy sản.

Ông Nikolik ngạc nhiên khi Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới vì nước này được dự đoán từ lâu rằng sẽ xuất khẩu ít thủy sản hơn do có dân số khổng lồ, nhu cầu cao về hải sản và người dân đang ngày càng giàu có.

Mặc dù xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc giảm nhẹ vào năm 2020, nhưng đã tăng trở lại vào năm 2021, đạt kim ngạch 21 tỷ USD - gấp đôi giá trị xuất khẩu thủy sản của Liên minh châu Âu (EU) và gấp 4 lần so với xuất khẩu thủy sản của Mỹ".

Trong khi đó, Na Uy đứng thứ hai về giá trị xuất khẩu thủy sản toàn cầu, đạt 13,5 tỷ USD vào năm 2021 - tăng từ mức tương ứng 9 tỷ USD của năm 2015 - phần lớn là do giá cá hồi Đại Tây Dương nuôi trong giai đoạn 2016-2018 tăng mạnh.

Ông Nikolik chỉ ra rằng, xuất khẩu thủy sản của Ecuador cũng rất đáng chú ý, khi kim ngạch tăng từ 3,5 tỷ USD năm 2015 lên 7,1 tỷ USD vào năm 2021 – nghĩa là tăng hơn gấp đôi về giá trị trong sáu năm, nhờ sản lượng tôm nuôi của nước này tăng vọt.

Mặt khác, tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Mỹ, Trung Quốc và EU (nếu tính cả Vương quốc Anh) đạt giá trị 80 tỷ USD vào năm 2021, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch thương mại thủy sản toàn cầu.

Nikolik lưu ý rằng, hải sản cao cấp đã giúp thúc đẩy giá trị nhập khẩu tăng. Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã tăng từ giá trị 8 tỷ USD vào năm 2015 lên 17 tỷ USD vào năm 2021 chủ yếu do nhập khẩu tôm, bột cá, cua và cá mòi gia tăng.

Kể từ năm 2013, xuất khẩu các loài thủy sản có giá trị cao như tôm và cá hồi trên toàn cầu đã tăng trưởng rất tốt, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) về sản lượng lần lượt là 6% và 2% và CAGR xét về giá trị lần lượt là 3,3% và 2,8%.

Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, xuất khẩu các loại thực phẩm giàu protein hơn như thịt bò, tôm, và trứng cá hồi có mức tăng trưởng tốt hơn những loại thực phẩm khác, với mức tăng trưởng giá trị thương mại hàng năm lần lượt là 16%, 17% và 20%.

Các tác giả của "Bản đồ Thủy sản Thế giới" năm 2022 nhận thấy xu hướng này sẽ tiếp diễn, trừ khi xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu.

Ông Nikolik nói: "Chúng tôi kỳ vọng tính bền vững và nhu cầu đối với các loài thủy sản tươi sống và cao cấp sẽ tiếp tục thúc đẩy khối lượng thương mại thủy sản giá trị cao trong những năm tới. Và các nhà xuất khẩu như Ấn Độ và Ecuador có cơ hội tốt để tận dụng các xu hướng mới nổi và thu hẹp khoảng cách trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.

Chúng tôi cũng đang chứng kiến mức giá cao chưa từng có đối với nhiều loại thủy sản do những thách thức trong thương mại quốc tế như chi phí vận chuyển và năng lượng tăng cao và việc tiếp tục phong tỏa xã hội ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy tác động lên nhu cầu thủy sản có thể trở thành yếu tố quan trọng, đặc biệt nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm 2022 hoặc năm 2023. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá của các loại thủy sản và giá trị của dòng chảy thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục