Ngành xi măng đáp ứng yêu cầu xây dựng dự án công nghiệp lớn

11:49' - 18/08/2022
BNEWS Đến nay, Việt Nam tự sản xuất đủ xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu. Riêng VICEM, là doanh nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á có công suất 33 triệu tấn.

Sáng 18/8, Hội thảo khoa học "Sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước" do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng công ty Xi măng Việt Nam tổ chức diễn ra tại thành phố Hải Phòng. Đây là sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng (1957-2022).

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Thiện, Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) chia sẻ, 65 năm qua, kể từ ngày (30/5/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng, là nhà máy duy nhất của Việt Nam vào thời điểm đó. Những điều bác căn dặn trong buổi nói chuyện hôm đó vẫn được cán bộ, đảng viên, công nhân Xi măng Hải Phòng và toàn ngành xi măng Việt Nam nghiêm túc thực hiện. Người đến thăm, nói chuyện và căn dặn: "Phải tăng gia sản xuất; phải thực hành tiết kiệm; phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động; phải ra sức học tập trau dồi văn hóa, chính trị và kỹ thuật; phải đoàn kết, thật thà phê bình và tự phê bình".

Hiện thực hóa lời căn dặn của Bác, trong suốt các chặng đường cách mạng, ngành xi măng Việt Nam ghi nhận bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước cũng như ngành xây dựng. Trước thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX ở miền Bắc chỉ có duy nhất Nhà máy Xi măng Hải Phòng được xây dựng, vận hành sản xuất.

Sau thập niên 70 - 80, các nhà máy xi măng như Bỉm Sơn, Hà Tiên, Hoàng Thạch được xây dựng. Từ nước thiếu xi măng trầm trọng trước năm 1993, đến nay Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về sản lượng xi măng và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng với tổng công suất thiết kế khoảng 100 triệu tấn/năm. 

Đến nay, Việt Nam tự sản xuất đủ xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu. Riêng VICEM, là doanh nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á có công suất 33 triệu tấn. Với vị thế hiện tại, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường xi măng trong khu vực.

Chủ trì hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hội thảo mang nhiều ý nghĩa thiết thực để cùng nhìn lại 65 năm ngành xi măng thực hiện Lời Bác Hồ dạy, tổng kết một số vấn đề và thực thi về vai trò, sứ mệnh của ngành xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Đây cũng là dịp để đánh giá những kết quả đạt được, đề xuất định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục phát triển ngành xi măng Việt Nam trong giai đoạn mới.  

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tiềm năng phát triển của công ty xi măng rất lớn, tiếp tục là lĩnh vực công nghiệp quan trọng đáp ứng yêu cầu xây dựng nhiều dự án công nghiệp lớn, phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, đô thị và nhà ở. 

Tuy nhiên, tình hình quốc tế và trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng không đều, thậm chí có thể rơi vào suy thoái, áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, nguy cơ đứt chuỗi cung ứng, vận chuyển gia tăng... gây biến động bất lợi cho các trường xuất khẩu xi măng.

Trong khi đó, nguy cơ kinh tế nước chậm hồi phục đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá cả tư liệu, nguyên liệu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao trong lúc toàn ngành đang nỗ lực chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả.

Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xi măng trong nước đối mặt với trạng thái "cung cấp" vẫn vượt xa so với "yêu cầu"; xu hướng chuyển đổi nhu cầu từ sản phẩm xi măng đóng bao sang xi măng rời khiến sản phẩm truyền thống. Nhiều thương hiệu mạnh trong hệ thống VICEM cũng có nguy cơ giảm dần lợi thế.

Để tiếp tục phát triển và thành công, ngành xi măng Việt Nam cần chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cấu trúc ngành, đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, ngành xi măng cần nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa sản xuất, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm định mức tiêu hao, khai thác và sử dụng hiệu quả; tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường...

Việc triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn thải thay thế nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế; đồng thời, chung tay góp phần giải quyết vấn đề môi trường cho đất nước. Song song đó, ngành tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, than phẩm cấp thấp trong sản xuất clinker, xi măng.

"Cùng với việc thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa một số hoạt động chưa tự động hóa, ngành xi măng cần ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong việc số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, năng lực quản trị", Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. 

Những yếu tố này sẽ giúp nâng cao vị thế, uy tín, năng lực cạnh tranh của của các đơn vị trong toàn ngành nói chung và VICEM nói riêng trên thị trường quốc tế; góp phần quan trọng hiện thực hóa thắng lợi đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục