Ngập lụt tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài cuối: Tổng thể các giải pháp đồng bộ

06:32' - 19/10/2016
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh có hàng loạt những giải pháp làm giảm ngập nước trong thành phố, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại mà thành phố đã đặt ra.

Ngập lụt gia tăng đang ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, phát triển kinh tế xã hội của hàng triệu người dân sinh sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh. Điều này đòi hỏi thành phố không chỉ nhìn lại việc triển khai dự án chống ngập trong thời gian qua mà còn phải định hình cũng như tìm hướng đi cho bài toán quy hoạch hoạch đô thị đúng hướng.

 Nước ngập bủa vây nhiều hộ dân tại ấp Trung (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) khiến cuộc sống, sinh hoạt và làm ăn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Đánh giá được tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ngập nước tại khu vực trung tâm thành phố, từ năm 2011, Tp. Hồ Chí Minh đã xác định đây là một trong 6 chương trình đột phá.

Hiện vấn đề giảm ngập, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng là một trong 7 chương trình trọng điểm, đột phá ưu tiên thực hiện đến năm 2020 của thành phố được Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X thông qua. Qua đó, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo thành phố trong công tác giải quyết vấn đề này. 

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng; triển khai quy chế giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng cường quản lý sau san lấp và xây dựng công trình trên sông, kênh rạch, hồ công cộng, xây dựng các hồ điều tiết nhămg giảm sự gia tăng dòng chảy mặt để hỗ trợ tiêu thoát nước.

Đồng thời, nghiên cứu, rà soát những vùng thấp trũng dễ bị ngập nước do mưa, triều cường để điều chỉnh quy hoạch theo hướng dành để trữ nước, tạo cảnh quan tự nhiên vùng ven; củng cố, tăng cường khả năng thoát nước của hệ thống cống, kênh rạch kết hợp với hồ điều tiết, công viên đa chức năng... đối với những khu vực nội thị nhưng cốt nền thấp.

Nước ngập tại một gia đình tại ấp Chánh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi). Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Ngoài ra, tiếp tục quản lý hệ thống thoát nước, xử lý cấp bách các điểm ngập do hệ thống cống bị hư hại, lún sụt, tiết diện nhỏ bằng các giải pháp kỹ thuật hoặc các dự án quy mô nhỏ; nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả, kênh rạch. Rà soát, bổ sung các van ngăn triều, xây dựng bờ bao bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng do triều cường trong khi các dự án lớn chưa hoàn thành. Theo đó, trung và dài hạn là tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải theo quyết định 752 và đầu tư các công trình chống ngập do triều theo quyết định 1547.

Thành phố cũng tập trung tăng cường liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác giảm ngập nước. Trong đó, ưu tiên đầu tư các thiết bị, công nghệ mới, hiện đại, đảm bảo sử dụng lâu dài và có khả năng đồng bộ với các thiết bị đang sử dụng; đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, dự báo theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết quả dự báo có độ tin cậy cao, phục vụ hiệu quả công tác điều hành của chính quyền, cung cấp thông tin cho người dân để ứng phó kịp thời trước diễn biến bất lợi của thời tiết.

Chương trình giảm ngập nước kết hợp với Chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị cũng được thành phố thúc đẩy thực hiện. Bên cạnh đó, thành phố kiên quyết khôi phục lại kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm trái phép nhằm tăng cường khả năng thoát nước và không gian trữ nước. Các dự án phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư mới phải được quy hoạch cốt nền phù hợp, xây dựng hệ thống thoát nước riêng, kết nối đồng bộ với hệ thóng thoát nước của khu vực.

Tp. Hồ Chí Minh cũng tập trung triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các công trình đê bao, cống kiểm soát triều, xây dựng phương án hành lang thoát lũ, triển khai quy chế phối hợp việc vận hành liên hồ chứa nước Trị An, Dầu Tiếng, Phước Hoà trên lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn; thực hiện các giải pháp phi công trình như bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ, tăng cường mảng xanh đô thị, tạo mặt bằng thẩm thấu nước mưa, giải pháp thu gom nước mưa tạm thời đối với những trận mưa lớn trong thời gian ngắn.

Với quyết tâm chính trị cao cùng với sự tầm nhìn mới, quản lý quy hoạch chặt chẽ, hiệu quả sẽ góp phần làm giảm ngập nước, nhất là khu vực trung tâm của Tp. Hồ Chí Minh, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại mà thành phố đã đặt ra./.

Xem thêm: Ngập lụt tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài 1: Ngập - "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"

Ngập lụt tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài 2: Ngập không chỉ từ thiên tai

Ngập lụt tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài 3: Quy hoạch chống ngập đi sau... ngập

Ngập lụt tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài 4: Dựa vào tư duy mới về quy hoạch     

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục