Ngày 14/1 sẽ khánh thành 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp.Hồ Chí Minh

13:37' - 12/01/2016
BNEWS Dự án “Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp.Hồ Chí Minh” (gọi tắt là dự án 44 cầu) sẽ được Bộ Giao thông Vận tải khánh thành vào ngày 14/1.
Cầu Nam Ô (Đà Nẵng) đã được đưa vào sử dụng. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ngày 14/1, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khánh thành Dự án “Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp.Hồ Chí Minh” (gọi tắt là dự án 44 cầu).

Dự án được hoàn thành trước 8 tháng sẽ cho phép nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu (tốc độ thiết kế 120km/h cho tầu khách, 80km/h cho tàu hàng).

Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt là đại diện chủ đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư 37,153 tỷ yên Nhật và 1.054 tỷ đồng, tương đương 9.284 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm khôi phục 44 cầu (tổng chiều dài 6.553m) và 45.078km đường sắt hai đầu cầu; nâng cấp, cải tạo, làm mới 22 đường ngang; xây mới 3 cầu chui và 24 cống hộp chui dân sinh; nâng cấp, cải tạo, làm mới 15 đường chui dưới cầu; xây mới 2 cầu vượt tại phía Nam ga Ninh Bình và phía Nam cầu Đò Lèn; xây dựng mới ga Ninh Bình; mua sắm 12 chủng loại máy móc, thiết bị phục vụ duy tu, bảo dưỡng cầu, đường sắt.

Mục tiêu đầu tư của dự án là nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt trong quá trình vận hành, khai thác; nâng cao an toàn cho các hoạt động giao thông khác và dân sinh hai bên đường sắt trong phạm vi dự án; rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh.

Dự án được hoàn thành cho phép nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Dự án có 12 gói thầu sử dụng vốn ODA, trong đó bao gồm 9 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu tư vấn và 1 gói thầu mua sắm hàng hóa. Các gói thầu sử dụng vốn đối ứng phục vụ thi công các hạng mục xây lắp chính của dự án như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, di dời hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt và bảo hiểm công trình.

Trong dự án có nhiều công nghệ mới, lần đầu tiên áp dụng trên các tuyến đường sắt của Việt Nam như ray hàn liền, ray hàn liền liên kết trực tiếp trên dầm thép, cầu đường sắt bê tông cốt thép dự ứng lực bằng công nghệ đúc hẫng có ray liên kết với dầm bê tông bằng hệ thống liên kết đặc biệt không dùng đá balát giúp tàu chạy êm thuận, ít rung lắc.

Giai đoạn thi công xây lắp dự án được triển khai, khởi công từ cuối năm 2010 đến cuối năm 2015, trong đó: cầu Bà Bầu thuộc tỉnh Quảng Nam là cầu đầu tiên của dự án được hoàn thành, thông xe vào ngày 10/10/2011 và cầu Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận là cầu cuối cùng của dự án được hoàn thành, thông xe vào 25/12/2015 vừa qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục