Ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết chế biến sản phẩm

18:12' - 06/11/2019
BNEWS Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc ngày có càng nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư và tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trong phiên trả lời chất vấn ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc ngày có càng nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư và tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong 3 năm qua số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 doanh nghiệp đến nay đã có khoảng 11.800 doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, đó là một thành công bước đầu.

"Đáng chú ý, hầu hết các tập đoàn lớn như TH, Vinamilk, Vingroup, FLC đã hướng đến khu vực nông nghiệp, và một loạt các doanh nghiệp lớn khác bây giờ đã hướng vào phân khúc thuộc khu vực nông nghiệp, tạo nên một hạt nhân trong chuỗi liên kết ứng dụng khoa học, công nghệ để tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa. Những doanh nghiệp này được rải khắp các vùng miền, 6 vùng kinh tế - xã hội chứ không cứ một vùng nào, trên tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất trực tiếp, từ chế biến, từ tổ chức thương mại" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Mới đây, Dự án tổ hợp chế biến thịt của Tập đoàn Masan đã được khởi công tại Long An với tổng số vốn lên tới 1.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án sẽ thực hiện các khâu: giết mổ và chế biến thịt lợn, thịt lợn mát các loại, quy mô 140.000 tấn sản phẩm/năm; Sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thịt như: thịt kho trứng, giò lụa, chà bông và các sản phẩm khác từ thịt, quy mô 15.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là dự án được đầu tư mới hoàn toàn, dự kiến hoạt động chính thức từ tháng 12/2020.

Sau khi được phê duyệt và đi vào hoạt động chính thức, dự án sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương và khu vực lân cận, cung cấp các sản phẩm chất lượng và hiệu quả thị trường trong nước, đem lại lợi ích kinh tế cho tỉnh Long An nói riêng và cho cả nước nói chung.

"Như vậy, điều này để thấy rõ hơn chúng ta đang tập trung theo hướng tái cơ cấu kể cả vùng nguyên liệu, kể cả khâu chế biến và khâu tổ chức thị trường. Tất cả các vật tư, kể cả từ phân bón, từ các mặt cơ bản đến giờ phút này giống má, giống thủy sản, giống cá, giống tôm, giống lúa về cơ bản Việt Nam đủ sức để các doanh nghiệp, các trung tâm khoa học cung ứng cho bà con sản xuất" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Đối với lĩnh vực thuỷ sản, hiện nay tại Khánh Hoà và Bình Định đã có những doanh nghiệp chế biến trên 30 sản phẩm cá ngừ không chỉ xuất khẩu sang Nhật mà hiện nay các siêu thị lớn ở Hà Nội cũng được phân phối sản phẩm đó.

"Chúng tôi đã thăm mô hình của huyện Hòn Đất, đó là Công ty Trung An với 1.000 ha làm hạt nhân; trong đó kể cả ứng dụng khoa học, công nghệ cao nhất, đảm bảo sản xuất theo hướng thân thiện môi trường hướng hữu cơ để làm hạt nhân lan tỏa, thu mua nguyên liệu cho vùng đó thông qua công tác hướng dẫn để phát triển nguyên liệu, thu mua sản phẩm tập trung chế biến cho xuất khẩu" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, với 11.800 doanh nghiệp cộng với 49.000 doanh nghiệp gián tiếp thì khu vực nông nghiệp chỉ có 8% trong tổng số 750.000 doanh nghiệp của Việt Nam, như vậy con số này còn ít so với sự cần thiết phải là hạt nhân cho 8,6 triệu hộ nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục