Công nghệ 4.0 mở ra tiềm năng phát triển mới cho ngành chế biến nông sản

17:19' - 26/09/2019
BNEWS Chiều 26/9, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội thảo khoa học phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, đã có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước với tổng vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng.

Nhìn chung trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đạt mức độ trung bình đến trung bình khá. Một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra.

Bước đầu một số ngành hàng, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu phát triển đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa như mặt hàng quả vải, nhãn, cam, chè, mía, thủy sản...

Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng…

Điển hình, lượng rau quả, thịt được đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng hằng năm. Các sản phẩm như: mía, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ nên gây ra nhiều tổn thất sau thu hoạch.

Bảo quản sau thu hoạch vẫn là khâu yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực nhưng giao động từ 10-20%. Cơ sở vật chất như phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu thốn, không phù hợp; công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn.

Về phát triển cơ giới hóa, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác. Mức độ cơ giới hoá này còn thấp, trong khi một số nước trong khu vực có mức độ cơ giới hóa cao như: Thái Lan đạt 4 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha.

Bên cạnh đó việc phát triển cơ giới hóa chưa toàn diện. Cơ giới hóa mới tập trung chủ yếu làm đất, chăm sóc, thu hoạch lúa, khâu cấy bằng máy còn thấp. Cơ giới hóa chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê, thủy sản còn hạn chế.  Trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, thể hiện hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún.

Trong bối cảnh công nghệ chế biến ngày càng phát triển, đặc biệt là công nghệ 4.0 mở ra tiềm năng phát triển mới cho tất cả các ngành hàng. Theo các đại biểu, việc phát triển công nghệ, thiết bị tiên tiến cần phù hợp với điều kiện từ vùng và từng sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh chế biến sau để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Các địa phương, vùng miền cần tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản. Trên cơ sở thị trường tiêu thụ, thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng… để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến đạt công suất thiết kế.

Về cơ chế chính sách, các địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản đã ban hành, điển hình như: Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, chuyển mạnh từ “đóng bao” sang “đóng gói”./.

Xem thêm:

>>Việt Nam và Hàn Quốc có thể bổ sung cho nhau trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản

>>Doanh nghiệp Hàn Quốc khảo sát đầu tư sản xuất, chế biến nông sản tại Hà Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục