Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ

19:27' - 15/12/2019
BNEWS Nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ có xu hướng gia tăng ở người trẻ được cho rằng bắt nguồn từ lối sống thiếu khoa học như: Thức khuya, mất ngủ, lười vận động, lạm dụng chất kích thích…
Bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan đến sức khỏe của trái tim, sự hoạt động của các mạch máu gây suy yếu khả năng làm việc của tim. Ảnh minh họa: Dương Ngọc - TTXVN

Thông tin từ Bệnh viện Tim mạch thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Tim mạch – đột quỵ SIS Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, hai đơn vị này đã tiếp nhận hơn 15.000 ca bệnh nhân nhập viện do tim mạch, đột quỵ. Đây là con số đáng báo động về tỷ lệ gia tăng căn bệnh này. Đặc biệt, theo ghi nhận của bệnh viện, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp dưới 30 tuổi.

Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch thành phố Cần Thơ cho biết, bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan đến sức khỏe của trái tim, sự hoạt động của các mạch máu gây suy yếu khả năng làm việc của tim.

Các bệnh tim mạch bao gồm: các bệnh mạch máu như bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim và suy tim. Bệnh lý về tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh mãn tính không lây. Mỗi năm, số người chết do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, lao, sốt rét và HIV cộng lại.

Theo thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam, cứ 3 người trưởng thành có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chủ yếu là bệnh mạch vành. Chỉ tính riêng các bệnh về tim mạch đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người mỗi năm. Nếu tính cả tai biến mạch máu não và các bệnh tim khác, con số này lên tới 200.000 người, chiếm hơn 1/4 tổng số người tử vong tại Việt Nam mỗi năm.

Bên cạnh yếu tố tiền sử gia đình và tuổi tác, thì hút thuốc, cholesterol trong máu, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao do kháng insulin hay tiểu đường, viêm mạch máu… là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nguy cơ cao bị tim mạch. Bệnh tim mạch gây hẹp, xơ cứng và tắc nghẽn mạch máu, làm gián đoạn hoặc không cung cấp đủ oxy đến não và các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó khiến các cơ quan bị ngừng trệ hoạt động, phá hủy từng bộ phận dẫn đến tử vong.

Gần đây xu hướng bệnh lý chuyển qua bệnh chuyển hóa không lây như tiểu đường và cao huyết áp. Điều này dẫn tới các bệnh về mạch vành, mạch não, mạch thận. Tỷ lệ bệnh lý mạch vành tăng lên thấy rõ và ngày càng trẻ hóa. Ca can thiệp trẻ nhất tại Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ là bệnh nhân nam sinh năm 1972, nhưng đã 4 lần đặt stent. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều.

Bệnh tim mạch không thể chữa khỏi hoàn toàn, đòi hỏi sự điều trị và theo dõi cẩn thận suốt đời, tốn kém nhiều chi phí. Do đó, việc đặc biệt quan trọng là truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh xa khỏi các tác nhân gây bệnh, cũng như nhận biết sớm những dấu hiệu của tim mạch, đột quỵ, nhằm tận dụng tối đa “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ do tim mạch nói riêng và đột quỵ nói chung.

Những dấu hiệu để nhận biết bệnh tim mạch bao gồm: Phù do lượng máu ra khỏi tim chậm, máu trở về tim qua tĩnh mạch bị ứ lại, khiến dịch tích tụ tại các mô. Đi kèm với phù, bệnh nhân sẽ chán ăn và tăng cân; thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức do các bộ phận trong cơ thể không nhận được đủ oxy cần thiết khi tim bị suy giảm chức năng co bóp; ho dai dẳng hoặc khò khè do chức năng bơm máu của tim không đủ cung cấp cho cơ thể, máu bị ứ lại ở nhiều cơ quan như phổi sẽ gây ho mạn tính, thở khò khè, nếu ứ dịch ở gan, ruột gây chán ăn, buồn nôn…

Đối với bệnh đột quỵ, theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ, đây vốn được xem là bệnh của người già. Tuy nhiên, xã hội ngày nay với nhịp sống nhanh, đồ ăn nhanh, căng thẳng do công việc, ít vận động… cộng thêm những thói quen xấu như hút thuốc, sử dụng nhiều bia, rượu… đã dẫn tới các “bệnh thời đại”: béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol… Đây là những căn nguyên khởi phát các bệnh nguy hiểm về tim mạch và đột quỵ.

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do dòng máu lưu thông lên não đột ngột ngưng trệ. Bệnh xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao, nếu may mắn sống sót thường phải chịu những di chứng nặng nề khiến họ cảm thấy bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đột quỵ được chia thành 2 thể: Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ và đột quỵ xuất huyết não. Tình trạng đột quỵ xuất huyết não chỉ chiếm số ít (khoảng 15% tổng số ca đột quỵ) nhưng mức độ nguy hiểm và tử vong lại cao hơn hẳn so với đột quỵ do thiếu máu não cục bộ.

Nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ có xu hướng gia tăng ở người trẻ được cho rằng bắt nguồn từ lối sống thiếu khoa học như: Thức khuya, mất ngủ, thường xuyên căng thẳng, lười vận động, lạm dụng chất kích thích… Những dấu hiệu để nhận biết đột quỵ sớm bao gồm: chóng mặt, ngất xỉu, tê yếu tay chân thoáng qua, mất ý thức thoáng qua…

Bệnh nhân N.T.M (32 tuổi, sống tại Cần Thơ) đột ngột ngất xỉu khi đang làm việc nên được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị tắc mạch máu não nên đã tiến hành thông mạch bằng phương pháp tiêu sợi huyết. Anh rất bất ngờ vì không nghĩ mình bị đột quỵ khi tuổi còn quá trẻ và tiền sử gia đình không có ai bị đột quỵ. Nhận định do bản thân hút thuốc lá quá nhiều (khoảng 2 gói/ngày) đã dẫn tới kết quả này, anh mong muốn cộng đồng cần quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về bệnh đột quỵ và tránh xa những tác nhân gây bệnh, cũng như nắm rõ về “thời gian vàng” để được cứu chữa kịp thời.

Theo bác sĩ Trần Chí Cường, bệnh nhân và người thân cần trang bị kiến thức về “thời gian vàng”. Đó là khái niệm về thời gian tái thông mạch máu tốt nhất, hạn chế tối đa những hệ lụy cho bệnh nhân. Cứ 1 phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bão não mất đi, đồng nghĩa với bệnh nhân sẽ bị suy giảm hoặc mất vĩnh viễn các chức năng ở các bộ phận. 

Các phương pháp điều trị bằng thuốc trước đây đối với đột quỵ cho hiệu quả không cao, ngày nay các cơ sở y tế đã tiến hành những biện pháp can thiệp nội mạch hiện đại như tiêu sợi huyết (chích thuốc tan máu đông) chỉ thực hiện được trong 4,5 tiếng đầu kể từ khi có triệu chứng đột quỵ đầu tiên; bệnh nhân tắc nghẽn những mạch máu lớn cần can thiệp đặt stent từ đùi lên chỗ mạch bị tắc để lấy cục máu đông ra chỉ trong 6 tiếng đầu; đối với xuất huyết não, còn có một biện pháp hiện đại nữa đó là đưa lò xo vào chỗ mạch máu bị vỡ phình để cầm máu tức thì.

Với những phân tích trên về bệnh tim mạch và đột quỵ, các chuyên gia đưa ra những lời khuyên để phòng tránh bệnh tim mạch và đột quỵ, đó là: Nói không với thuốc lá, bia rượu; duy trì trọng lượng cơ thể, kiểm soát cân nặng thường xuyên và có chế độ luyện tập thể thao điều độ phù hợp với sức khỏe; có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn ít chất béo, dầu mỡ chiên rán; tránh căng thẳng; kiểm tra sức khỏe định kỳ; thường xuyên đo huyết áp để phát hiện và điều trị kịp thời nếu bị bệnh huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch./.

>> Nhiệt độ Trái Đất tăng làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người lớn tuổi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục