Ngày Doanh nhân Việt Nam: Nền tảng xây dựng văn hóa doanh nhân



15:38' - 13/10/2022
BNEWS Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị do doanh nghiệp sáng tạo, tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh.

Đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp là khái niệm được nhiều người nhắc tới, nhất là vào dịp thường niên kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Đó là những nguyên tắc, những chuẩn mực mang tính hướng dẫn hành vi trong mối quan hệ kinh doanh giữa các chủ thể. Qua đó, các doanh nghiệp có thể lấy làm khuôn mẫu để điều chỉnh thái độ, ứng xử một cách có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tự nhiên, hướng tới những giá trị bền vững, hơn là chỉ chú trọng tới định lượng kết quả bằng thước đo tiền bạc. 

Xung quanh vấn đề này, ông Lê Minh Tuấn, Chuyên gia đào tạo kinh doanh khởi nghiệp – Nhà huấn luyện đã chia sẻ về những cảm hứng giúp doanh nhân thay đổi nhận thức và tư duy về kinh doanh để trở nên tốt hơn.



Phóng viên: Xây dựng văn hóa kinh doanh có vai trò quan trọng như thế nào đối với hoạt động của mỗi doanh nghiệp?



Chuyên gia Lê Minh Tuấn: Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều thống nhất, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị do doanh nghiệp sáng tạo, tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh. Đó là tổng thể các truyền thống, cấu trúc, phương thức kinh doanh, quản lý điều hành nhằm xác lập quy tắc ứng xử của mỗi doanh nghiệp. Từ đó, chi phối hoạt động của mọi thành viên và tạo nên bản sắc kinh doanh riêng có ở doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp chính là bầu không khí làm việc do các thành viên trong doanh nghiệp mà trước hết là ban lãnh đạo tạo nên, có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, thái độ lao động của mỗi thành viên và lòng trung thành của họ đối với doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ tạo nên môi trường làm việc tốt, khơi gợi cảm hứng khiến các cá nhân người lao động luôn cố gắng phấn đấu vì mục tiêu chung. Văn hóa doanh nghiệp có quan hệ sâu sắc với động cơ hoạt động của doanh nghiệp, tạo nên định hướng mang tính chiến lược cho doanh nghiệp và điều chỉnh hành vi của các nhân viên.

Do vậy, văn hóa doanh nghiệp trở thành động lực tinh thần giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Song song đó, đạo đức kinh doanh là những nguyên tắc và chuẩn mực có tác dụng hướng dẫn hành vi giữa những người có liên quan như nhà đầu tư, khách hàng, người quản lý, người lao động, đại diện cơ quan pháp lý, cộng đồng dân cư, đối tác, đối thủ... Qua đó, sử dụng những chuẩn mực ấy để phán xét những hành động cụ thể là đúng hay sai, là hợp đạo đức hay phi đạo đức. Cho dù các chủ thể trong mối quan hệ kinh doanh không phải lúc nào cũng đúng, nhưng những phán xét của họ luôn tác động đến sự chấp thuận của xã hội đối với doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Phóng viên: Để có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp và ý thức đạo đức tốt trong kinh doanh, theo ông phải xuất phát từ đâu?

Chuyên gia Lê Minh Tuấn: Giáo dục là nền tảng của mọi sự phát triển. Văn hóa kinh doanh có được phải xuất phát từ việc học và ý thức tự học. Thực tế tiếp xúc cho tôi thấy, không nhiều chủ doanh nghiệp có tư duy chủ động tiếp thu kiến thức. Họ chia sẻ là thực sự ít đọc sách, ít theo dõi tivi về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Họ hứng thú với việc lướt Facebook, chat Messager hay xem Tiktok hơn là phải dành thời gian cho việc đọc và tìm hiểu những thông tin liên quan tới chính hoạt động của doanh nghiệp mình.

Mặc dù, Chính phủ và các cơ quan ban ngành thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao trình độ, phổ biến kiến thức về các chính sách kinh tế để phù hợp với bối cảnh mới khi toàn cầu đang đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn xu hướng hội nhập giữa các quốc gia. Hay, các hiệp định thương mại tự do cùng nhiều cam kết quốc tế về thuế, hải quan, về quy tắc xuất xứ hàng hóa... được ký kết giữa Việt Nam với cộng đồng kinh doanh quốc tế thì không ít chủ doanh nghiệp Việt Nam lại cử nhân viên hoặc cấp dưới theo học thay mình. 

Rõ ràng như vậy là không hiệu quả, là lãng phí tài nguyên, tiền bạc và công sức... Điều này càng rõ ràng hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua, trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh thì phản ứng chậm nhịp của doanh nghiệp chắc chắn đã dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường. Điều đó lý giải một số lượng lớn doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường, thậm chí tuyên bố phá sản. Cho dù, nhiều người gọi tên đó là do dịch bệnh khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì mất đơn hàng, vì thiếu nguồn lực....ABC rất nhiều nguyên nhân. 

Ở góc độ 1 chuyên gia đào tạo, tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn những kịch bản dự phòng cho các tình huống xấu. Kế hoạch kinh doanh hàng năm của họ có thiết kế các phương án dự phòng rủi ro và công tác quản trị doanh nghiệp của họ được đầu tư đào tạo bài bản, nghiêm túc hơn....chắc chắn khả năng thích ứng, tránh đổ vỡ của doanh nghiệp sẽ khác. 

Phóng viên: Đào tạo là nền tảng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hình thành nên cốt cách và đạo đức kinh doanh là điều ai cũng hiểu. Nhưng thực hiện được nó lại là vấn đề khác, ông đánh giá sao về điều này?

Chuyên gia Lê Minh Tuấn: Quan điểm của tôi là hãy xuất phát từ những điều đơn giản; làm những việc có ý nghĩa dù là nhỏ nhất để tích lũy và dày thêm giá trị cho riêng mình, cho doanh nghiệp của mình.

Học tập là suốt đời, nếu hiểu được giá trị cốt lõi ấy, các chủ doanh nghiệp sẽ không bao giờ lo chậm nhịp. Khi đã ý thức được thì cho dù bận cách mấy, các chủ doanh nghiệp cũng sẽ có thể tự quản trị được thời gian của mình. Cùng đó, đầu tư không chỉ tiền bạc mà cả công sức để tiếp thu những cái mới, những kiến thức bổ ích để phát huy khả năng sáng tạo song song với việc gìn giữ các giá trị truyền thống là bản sắc của doanh nghiệp.

Nhờ đào tạo, chắc chắn doanh nghiệp sẽ dồi dào năng lượng, sẽ có một thái độ tích cực và một tinh thần trách nhiệm để cống hiến vì bản thân, vì tập thể và cũng là để cho đi, để chia sẻ với cộng đồng. Điều đem lại cuối cùng không gì khác chính là hiệu quả kinh doanh và là sự công nhận của xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục