Nghề làm tôm khô Cà Mau là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

21:03' - 11/12/2023
BNEWS Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức Lễ công bố Nghề làm tôm khô vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tối 11/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ công bố Quyết định số 3441/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghề làm tôm khô vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cà Mau.

Nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử và giá trị của Nghề làm tôm khô Cà Mau, ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia Nghề làm tôm khô thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian đã tồn tại hàng trăm năm ở Cà Mau, gắn liền với lịch sử khai phá và định cư trên vùng đất mới.
 
Con tôm là sản vật quen thuộc nhất, phổ biến nhất mà người dân khai thác để phục vụ mục đích sinh tồn. Khi trữ lượng con tôm quá dồi dào làm nảy sinh nhu cầu dự trữ, từ đó đã hình thành nghề làm tôm khô, một nghề đặc trưng nhưng phổ biến trong các cộng đồng dân cư ở Cà Mau.

Nghề làm tôm khô cũng phản ánh đậm nét công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, gắn bó với các phong tục, tập quán trong đời sống hàng ngày. Về vật chất, nó là một sinh kế quan trọng, mang lại sự ấm no, phồn thịnh. Về tinh thần nó là nghệ thuật ẩm thực, tri thức dân gian được tích lũy trong từng món ăn; được thể hiện trong ca dao, tục ngữ, dân ca, các tác phẩm văn học văn học nghệ thuật được lưu truyền, tạo nên sắc thái văn hóa riêng của vùng đất này.

Kinh nghiệm dân gian thể hiện từ cách làm sạch nguyên liệu, luộc tôm, phơi tôm đến bóc tách vỏ tôm cho đến quy trình, bí quyết chế biến món ăn. Sự tài hoa của người làm nghề tôm ở chỗ biết pha nước để luộc con tôm vừa chín, canh lửa, canh thời gian luộc tôm, chế độ phơi và đảo tôm khi phơi. Sản phẩm tôm khô đã trở thành món ăn truyền thống trong các dịp lễ, tết của người Nam bộ cũng như người Cà Mau, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Cà Mau.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VIII) đã khẳng định “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước...”, trong đó di sản văn hóa là sản phẩm của những điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế và chính trị cụ thể qua nhiều thời kỳ cần được chú trọng, bảo vệ và phát huy giá trị.

Xác định tầm quan trọng đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3441/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề làm tôm khô vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Kết quả này không chỉ thể hiện sự tôn vinh của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân đã đóng góp công lao làm nên bề dày truyền thống cho vùng đất Cà Mau, mà còn thể hiện sự trân trọng đối với những thành quả đạt được trong việc hình thành và lưu truyền loại hình nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian qua nhiều thế hệ.

Việc đưa Nghề làm tôm khô vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là bước đi có ý nghĩa đặc biệt cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa về sau; làm nền tảng để các ngành chức năng đưa di sản văn hóa đi vào đời sống cộng đồng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 50 cơ sở chề biến tôm khô với quy mô lớn, đưa ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm/năm. Nghề làm tôm khô còn thu hút, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở vùng nông thôn Cà Mau.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục