Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội: Cần cách làm sáng tạo và đột phá

15:57' - 07/12/2023
BNEWS Hà Nội có rất nhiều di sản về kiến trúc, văn hóa, đô thị. Theo xu thế phát triển, các công trình này đang dần trở nên lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu hiện tại hoặc thậm chí xuống cấp.

Mặc dù các công trình này không còn nhiều giá trị về mặt vật thể nhưng các giá trị về phi vật thể (văn hóa, lịch sử, kiến trúc...) của chúng lại khá phong phú bởi vì, nó là biểu trưng cho thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội trong giai đoạn trước đây.

 

Vì thế, nếu ứng xử với các công trình này theo một góc nhìn nhân văn, chúng sẽ tạo ra dòng chảy văn hóa, từ đó tạo ra các lợi ích về mặt xã hội, đóng góp vào phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, việc tái tạo lại các di sản này để đóng góp cho việc phát triển thương hiệu “thành phố sáng tạo” đang là một thách thức không nhỏ đối với Hà Nội, đòi hỏi những suy nghĩ mang tính sáng tạo và cách làm mang tính đột phá.

Với suy nghĩ đó, một số nhà nghiên cứu và kiến trúc sư đã đưa ra ý tưởng khá táo bạo là tái thiết các nhà máy sản xuất cũ, các khu tập thể, các làng ven đô với hy vọng biến các “di sản thành tài sản”.

Tiến sĩ Vương Hải Long, Trưởng Khoa Kiến trúc của Đại học Kiến trúc Hà Nội, gợi ý thủ đô Hà Nội có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong đô thị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô như Nhà máy Công cụ số 1, Nhà máy Dệt 8/3...

Nếu các công trình này bị phá bỏ thì rất đáng tiếc. Nếu tái thiết lại các cơ sở sản xuất này thành các tổ hợp sáng tạo, điều đó sẽ vừa giúp giữ được ký ức, vừa tạo ra những giá trị mới mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng chung quan điểm đó, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến nói từ những năm 90, các nước phát triển bắt đầu chú trọng đến các chương trình liên quan đến đánh giá và bảo tồn các di sản công nghiệp.

Tại Hà Nội, dù có nhiều chủ trương, quyết sách liên quan đến việc di dời các cơ sở công nghiệp không còn phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường, song việc triển khai còn chậm và nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đô thị không ngừng vận động và phát triển, các công trình công nghiệp cũ không chỉ là đối tượng của bảo tồn mà còn là điểm tựa văn hóa, động lực cho phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi các công trình công nghiệp cũ nên được triển khai bằng phương pháp phù hợp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trước mắt, lẫn mục tiêu phát triển lâu dài của đô thị.

Còn đối với các khu tập thể cũ, các chuyên gia cho rằng những năm 1965-1990 giống như "một tượng đài kiến trúc", chứa đựng không gian, tập quán sinh hoạt của người dân. Đây cũng là biểu tượng của thời kỳ phát triển xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vì thế, Kiến trúc sư Nguyễn Việt Ninh đề xuất việc tái thiết và phát huy giá trị các khu tập thể cũ trong thời kỳ hiện nay là rất cần thiết để bảo tồn các giá trị cũ, đồng thời cần kết nối với hệ sinh thái xung quanh nhằm tạo sự đồng bộ, cũng như đảm bảo lợi ích cho người dân.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Việt Ninh, ngay cả ở các quốc gia khác, những không gian sống cũ được tái thiết rất cẩn thận và tạo nên một đời sống mới để không phá vỡ đi kiến trúc cũ, lại vẫn việc giải quyết được áp lực của sự phát triển. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, việc cải tạo các khu tập thể cũ được thực hiện rất thận trọng.

Trước khi tái thiết, người Nhật có đánh giá, khảo sát rất cụ thể và chia làm 3 cấp độ để thực hiện cải tạo. Cấp độ 1 là bảo tồn và giữ nguyên trạng với các giải pháp cải tạo không làm mất đi tính nguyên bản của công trình. Cấp độ 2, tiến hành cải tạo một phần, sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá mức độ xuống cấp và đòi hỏi của người dân đang sống. Cấp độ 3, phá bỏ hoàn toàn.

Đề cập tới không gian kiến trúc của làng xã, Kiến trúc sư Phạm Thùy Linh nhận định Hà Nội có diện tích nông nghiệp rất lớn. Trước áp lực đô thị hóa, tình trạng “làng trong phố”, “phố trong làng” đang trở nên phổ biến, bởi đó là nhu cầu tất yếu.

Không gian kiến trúc làng thay đổi ra sao, người dân là chủ thể có vai trò quyết định quan trọng, vì họ có quyền thay đổi, xây dựng theo mong muốn và sở thích. Việc người dân bị ảnh hưởng bởi những trào lưu kiến trúc, rồi làm nhà, cải tạo nhà theo sở thích đang xảy ra trong thực tế. Ở đây, vai trò của chính quyền rất lớn trong việc định hướng người dân cũng như tạo cơ chế để cho các nhà kiến trúc vào cuộc.

Kiến trúc sư Phạm Thùy Linh kiến nghị cơ quan quản lý cần có chính sách, hoạch định quy hoạch có tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn, từ đó có thể tập hợp đội ngũ kiến trúc sư tái thiết những mẫu kiến trúc nông thôn phù hợp với lối sống, văn hóa, con người ở từng vùng; đưa ra những mô hình nhà ở thí điểm ở làng quê cả về kiểu dáng và vật liệu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục