Nghề nuôi thủy sản mặn, lợ bội thu

15:44' - 17/12/2019
BNEWS Nghề nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ đã giúp nhiều người dân khó khăn ở miền biển Tiền Giang có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.
Nghề nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ ở miền biển Tiền Giang
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, năm 2019, tình hình nuôi trồng thủy sản khu vực nước mặn, lợ tại Tiền Giang tiếp tục đạt tăng trưởng khá toàn diện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội địa bàn khó khăn vừa tạo thêm nguồn nông sản hàng hóa có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao.

Tổng diện tích mặt nước đưa vào nuôi thủy sản nước mặn, lợ của địa phương đạt trên 10.500 ha, đạt 102,13% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 2,26% so với năm trước. Nông dân đã thu hoạch đạt sản lượng 188.900 tấn tôm cá các loại, vượt 12,44% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 12,62% so với năm trước.

Thuận lợi của tỉnh là có chiều dài bờ biển khoảng 32 km, án ngữ vàm Soài Rạp trên sông Soài Rạp ở phía bắc và hai vàm Cửa Tiểu, Cửa Đại trên sông Tiền ở phía nam, tiềm năng mặt nước đưa vào nuôi thủy sản nước mặn, lợ rất lớn với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao hướng đến chế biến xuất khẩu là: tôm, nghêu, đối tượng thủy sản khác.

Các huyện có tiềm năng và thế mạnh về nuôi thủy sản nước mặn, lợ là: Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công… Riêng huyện Gò Công Đông đã thả nuôi trên diện tích trên 3.500 ha, đây cũng là huyện ven biển có vùng nuôi nghêu lớn nhất tỉnh, khoảng 2.000 ha. Huyện cù lao Tân Phú Đông nằm giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền cũng đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước lợ, mặn trên 6.800 ha.

Nghề nuôi thủy sản nước mặn, lợ phát đạt tại đây đã góp phần giúp người dân miền biển nhiều khó khăn có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm và an sinh xã hội. Nhiều hộ nông dân giàu lên sau một vài vụ nuôi tôm, nuôi nghêu bội thu.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông Đoàn Thanh Hưng cho biết, địa phương có vùng nuôi nghêu 2.000 ha gắn với phát triển du lịch sinh thái đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, mỗi năm đạt sản lượng trên 20.000 tấn nghêu thương phẩm phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, giúp xã đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo nông thôn và đạt xã nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông Trần Công Danh cho biết, địa phương có trên 2.000 ha mặt nước nuôi tôm, chủ yếu là tôm thẻ. Trong năm, trên 60% hộ dân nuôi có lãi khá. Nhờ nghề nuôi tôm nước mặn, lợ phát triển đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội vùng ven biển nhiều khó khăn.

Hiện nay, nghêu, tôm sú, tôm thẻ… là những đối tượng nuôi thủy sản mặn, lợ chủ yếu của tỉnh Tiền Giang. Để phát huy tiềm năng kinh tế to lớn này, thúc đẩy vùng duyên hải phía Đông phát triển lên tầm cao mới, tạo động lực cho kinh tế - xã hội miền biển, địa phương chú trọng khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng những mô hình nuôi theo khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa giúp tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng phục vụ ngành chế biến thủy sản xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) tiến hành khảo sát đánh giá nguồn lợi nghêu ở vùng nuôi nghêu Tân Thành (Gò Công Đông) nhằm đánh giá tính khả thi và đề xuất xây dựng khu bảo tồn nghêu giống, nghêu bố mẹ; đồng thời thực hiện đánh giá nội bộ nghề nuôi nghêu huyện Gò Công Đông theo tiêu chí MSC. Kết quả thu lượm được làm cơ sở đánh giá, chứng nhận MSC cho vùng nghêu Gò Công năm 2020.

Với con tôm, tỉnh tiếp tục thúc đẩy phát triển mô hình đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 hoặc 3 giai đoạn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng nuôi tôm ven biển Tiền Giang.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tại hai huyện trọng điểm là Gò Công Đông và Tân Phú Đông trong năm 2019 đã có 68 hộ áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 hoặc 3 giai đoạn trên diện tích khoảng 280 ha, tăng 23 hộ và 100 ha so với năm 2018. Kết quả là năng suất từ 40 - 60 tấn/ha và sản lượng thu hoạch khoảng 3.000 tấn, chiếm khoảng 15,6% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục