11 tháng, thặng dư thương mại nông, lâm, thủy sản đạt 8,8 tỷ USD

16:43' - 28/11/2019
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước đạt 65,7 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước đạt 65,7 tỷ USD. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước đạt 65,7 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,3 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu khoảng 28,5 tỷ USD, giảm 0,7%.

Như vậy, thặng dư thương mại nông, lâm, thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 11/2019,  kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng 10; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 1,7 tỷ USD, lâm sản chính đạt gần 1,15 tỷ USD, thủy sản đạt 868 triệu USD và chăn nuôi đạt 58 triệu USD…

Đến nay, ngành nông nghiệp có 7 nhóm, sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, hạt điều, quả, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 21,9%; EU chiếm 11,7%; ASEAN chiếm 10%; Nhật Bản chiếm 8,8% và Hàn Quốc chiếm 5,8%...

Trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như: cao su đạt 2 tỷ USD, tăng 9,3%; chè đạt 216 triệu USD, tăng 16%; rau đạt 592 triệu USD, tăng 9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,6 tỷ USD, tăng 19,5%; quế đạt 163 triệu USD, tăng 31%; mây tre, cói tăng 44,4%; các sản phẩm chăn nuôi tăng 6,5%.

Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm như: trái cây đạt 2,6 tỷ USD, giảm 5,5%; hạt điều, hạt tiêu và gạo mặc dù lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh nên giá trị xuất khẩu giảm.

Cụ thể, hạt điều đạt 3 tỷ USD, giảm 1,8% về giá trị; gạo đạt 2,6 tỷ USD, giảm 9,4%; hạt tiêu giảm 5,8%; riêng cà phê giảm mạnh cả về giá trị (15%) và lượng (gần 23%), giá trị xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại ước khoảng 9,5 - 10 tỷ USD.

Từ nay đến hết năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Các ngành hàng tổ chức sản xuất đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản sang: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Brazil. Đồng thời, theo dõi tình hình tiêu thụ nông sản tại các cửa khẩu, khó khăn vướng mắc; tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xem xét hồ sơ đề nghị mở cửa xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến của Việt Nam.

Ngành tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tăng cường kiểm soát chặt tình hình nhập lậu vào thị trường nội địa; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung nông, lâm, thủy sản cuối năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục