Nghị quyết 128: Khôi phục sản xuất, thi công xây lắp tạo đà tăng trưởng

14:28' - 11/10/2022
BNEWS Triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, trên các công trường, nhà máy, sản xuất đã nhanh chóng khôi phục trở lại, hoạt động hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Bộ Xây dựng đã chủ động hướng dẫn về các hoạt động thi công tại dự án, công trình xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nhờ đó, trên các công trường, nhà máy, sản xuất đã nhanh chóng khôi phục trở lại, hoạt động hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Là nhà thầu xây dựng, ông Lê Việt Khánh - Giám đốc phụ trách đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Lộc Mã đánh giá, trong một năm kể từ khi ban hành Nghị quyết 128, Chính phủ đã làm được nhiều việc, đem lại kết quả tích cực, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

"Ấn tượng đầu tiên là việc thực hiện chiến lược tiêm bao phủ vaccine toàn dân nhằm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đây là bước xoay chuyển tình hình rất nhanh, từ chỗ là một trong những nước khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vaccine, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có độ phủ vaccine cao nhất thế giới" - ông Lê Việt Khánh dẫn chứng.

Trên thực tế, đây cũng là một trong những yếu tố để Việt Nam phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế phát triển. Kết quả tăng trưởng GDP trong 9 tháng của năm 2022 đạt 8,83%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay là con số ấn tượng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng đã phản ánh chiến lược chuyển hướng ứng phó an toàn với dịch bệnh phù hợp.

Chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả bởi phù hợp nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Điều hành của Chính phủ đã giúp cho các nguồn lực đến đúng địa chỉ, giúp kinh tế phục hồi.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Việt Khánh bày tỏ mong muốn các chính sách đã và tiếp tục được ban hành sẽ bám sát hơi thở cuộc sống, giúp cho hoạt động thương mại đầu tư của doanh nghiệp thuận lợi hơn; tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng được những cơ hội, giảm thiểu những rủi ro gặp phải trong biến động tình hình thế giới.

Quý III/2021 là thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh thành khác đều phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Gần như cả quý III nằm trong thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Viglacera vẫn đạt kết quả khả quan nhờ chủ động tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch, bám sát kế hoạch đề ra và đáp ứng linh hoạt nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, kể từ khi có Nghị quyết 128, Viglacera vừa nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch và phát triển sản xuất, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2021.  Nhờ chủ động ứng phó với khó khăn, các đơn vị thuộc Viglacera vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, giữ an toàn cho người lao động, chống lây lan dịch bệnh trong cộng đồng

Tổng giám đốc Viglacera Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Tổng công ty đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị và Tổ an toàn COVID tại nhiều dự án, địa bàn hoạt động khu công nghiệp; tuyên truyền, vận động toàn Tổng công ty thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan có thẩm quyền.

Viglacera cũng xây dựng phương án phòng, chống dịch của từng đơn vị; chuẩn bị thuốc men, vật tư y tế, đội cứu trợ hậu cần... để chủ động, đảm bảo sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng... Ngoài ra, Tổng công ty đã chủ động liên hệ để triển khai tiêm đồng loạt vaccine COVID-19 cho tất cả cán bộ, nhân viên và người lao động. Bên cạnh đó, hệ thống công đoàn cũng tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch tại đơn vị, bám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động...

Đối với Công ty VICEM Hoàng Thạch, dấu mốc 2021 là năm đáng nhớ khi phải trải qua nhiều khó khăn thách thức bởi ngay từ quý I các địa bàn tiêu thụ chính của doanh nghiệp này đã chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; thậm chí phải tạm thời phong tỏa nhà máy. Cuối tháng 4/2021, nhiều địa bàn tiêu thụ cốt lõi của Vicem Hoàng Thạch cũng phải thực hiện giãn cách xã hội nên tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ thấp.

Thế nhưng, kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128, VICEM Hoàng Thạch tiếp tục chú trọng thực hiện tốt khâu phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn sản xuất và sức khỏe người lao động. Nhờ chủ động nắm bắt tình hình, điều hành linh hoạt, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, VICEM Hoàng Thạch duy trì ổn định hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Trong "đại gia đình" Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), các đơn vị thành viên khác cũng phải đối diện với không ít khó khăn. Như VICEM Bút Sơn, các thị trường cốt lõi của đơn vị này đều nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sản lượng tiêu thụ tại các địa bàn lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh… cũng bị giảm do khó khăn trong vận chuyển xi măng, ảnh hưởng bởi việc kiểm soát phương tiện vận tải, tăng chi phí xét nghiệm COVID-19 cho lái xe...

Khó khăn nhất là VICEM Hà Tiên do Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách từ tháng 7 kéo dài đến tận cuối tháng 9. VICEM Hạ Long có trạm nghiền đặt phía Nam nên cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Hầu hết các đơn vị của VICEM đều "bế tắc" trong khâu vận tải cả đường bộ và đường thủy...

Thực hiện Nghị quyết 128, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho biết, toàn hẹ thống VICEM vẫn quyết tâm cao nhất để vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả. Tổng công ty yêu cầu các đơn vị trong hệ thống tiếp tục thực hiện triệt để giải pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo đó, các đơn vị tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát thiết bị và thông số công nghệ của hệ thống lò nung; duy trì thiết bị hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo chất lượng sản phẩm; tiết giảm định mức tiêu hao. Trên cơ sở đó, VICEM cân đối việc huy động năng lực thiết bị hợp lý, tiến hành cải tạo, bảo dưỡng, sửa chữa, tối ưu hóa các điều kiện hoạt động của thiết bị nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả trong sản xuất; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phát huy tối đa năng suất thiết bị, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường.

VICEM luôn bám sát tình hình thực tế thị trường tiêu thụ của các công ty; tư vấn, hỗ trợ, phối hợp xây dựng kịch bản chi tiết về cơ cấu sản phẩm, địa bàn… để điều hành linh hoạt nhằm đảm bảo đẩy mạnh tiêu thụ, đạt hiệu quả kinh tế - Tổng giám đốc Lê Nam Khánh chia sẻ.

Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa sản xuất vừa chống dịch, Vinaconex liên tục triển khai các dự án mới bất chấp những khó khăn do dịch COVID-19. Điển hình là việc doanh nghiệp này đã nâng cao vị thế trong lĩnh vực xây dựng cầu lớn với dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Thành phố Hà Nội.

Tại dự án này, Vinaconex được giao đảm nhận thi công 2 gói thầu; trong đó có hạng mục xây dựng cầu chính vượt dòng chủ. Vinaconex đã nỗ lực đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án ngay cả trong giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng.

Năm 2021, vượt qua khó khăn, dịch bệnh, tổng thầu Vinaconex đã nỗ lực hoàn thành và bàn giao các hạng mục cho chủ đầu tư nước ngoài. Tiêu biểu là các dự án Mikazuki Spa& Hotel Resort (Đà Nẵng), dự án hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Ngay sau khi có Nghị quyết 128, Vinaconex đã tiếp tục tăng cường thực hiện và kiểm soát biện pháp an toàn phòng dịch tại các công trình dự án trên khắp mọi miền đất nước, thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo đời sống và sức khỏe cho người lao động.

Mục tiêu của Vinaconex là quyết tâm không để đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh mà vẫn liên tục triển khai các dự án, kế hoạch mới để gia tăng hiệu quả cho doanh nghiệp. Vinaconex đã thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt, chủ động tìm kiếm cơ hội, xoay chuyển tình thế, vững vàng vượt qua khó khăn trong đại dịch.

Sau một năm, dịch bệnh được kiểm soát ngày càng vững chắc, nền kinh tế phục hồi tích cực với mức tăng trưởng kỷ lục; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Thực tế đã chứng minh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 theo kết luận của Trung ương là đúng đắn, kịp thời, phù hợp, có vai trò, ý nghĩa quyết định với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục