Nghịch lý “bắt khách đi ngủ sớm” ở Việt Nam

22:13' - 09/09/2019
BNEWS Trong khi thế giới coi nền kinh tế ban đêm là cách “hái ra tiền” thì ở Việt Nam lại có chuyện bắt khách đi ngủ sớm.

Nghịch lý du khách không có chỗ chơi, không cả biết tiêu tiền thế nào, ở đâu vào ban đêm diễn ra nhiều năm qua khiến ngay cả những “thủ phủ” du lịch cũng ngủ quên trên kho vàng.

“Học cách ngủ sớm khi tới Việt Nam”

Joshep, một du khách người Anh trước khi tới Việt Nam đã lên diễn đàn du lịch Tripadvisor để xin tư vấn về các địa điểm chơi đêm tại Hà Nội. Câu trả lời anh nhận được đa số chỉ là hãy lên Tạ Hiện uống bia, hoặc lên một vài bar cũng chỉ để... uống bia.

“Hầu hết các cửa hàng sẽ đóng cửa vào khoảng nửa đêm. Bạn nên học cách ngủ sớm khi tới Việt Nam,” một hướng dẫn viên bản địa tư vấn.

Gợi ý chơi đêm bao năm qua chỉ là phố Bùi Viện ở TPHCM, hoặc đến phố Tạ Hiện ở Hà Nội uống bia

Cũng giống như Joshep, nhiều du khách nước ngoài đã phải thở dài vì nếu không ra Bùi Viện (TPHCM), Tạ Hiện (Hà Nội), hoặc lên các quán bar, pub...  sẽ chẳng biết phải đi đâu chơi, giải trí suốt quãng thời gian dài ban đêm. Đa phần các sản phẩm du lịch, dịch vụ tại Việt Nam chủ yếu tập trung từ 7 giờ sáng tới 17 giờ chiều.

Với Đà Nẵng - thủ phủ du lịch miền Trung, thậm chí, đêm của du khách còn ngắn và tẻ nhạt hơn nhiều. Trái ngược với không khí sôi động ban ngày, đêm Đà Nẵng khá đơn điệu. Theo khảo sát, toàn thành phố hiện có 5 khu chợ đêm kết hợp với phố đi bộ. Hụt hẫng… là cảm xúc chung của du khách khi dạo các chợ đêm tại Đà thành.

Chợ đêm Sơn Trà ở Đà Nẵng khiến nhiều du khách chỉ đi một lần cho biết

Anh Tùng Lâm đến từ Hà Nội kể: Kỳ nghỉ của anh tại Đà Nẵng kéo dài 3 ngày, nhưng chỉ sau đúng một đêm đi vòng quanh chợ Sơn Trà và Helio vốn nhộn nhịp bậc nhất, cũng đã từ bỏ ý định khám phá thêm cuộc sống đêm ở thành phố sông Hàn.

“Chợ nào cũng thiếu bản sắc. Ẩm thực, đồ mỹ nghệ na ná nhau, không có sản phẩm mang dấu ấn bản địa. Các gian hàng có vẻ tạm bợ, bán nhiều mặt hàng rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các chợ này đi một lần là chán. Vì thế đêm nào ở Đà Nẵng vợ chồng tôi cũng quay về khách sạn lúc 10 giờ. Có vài quán bar nhưng không phù hợp”, anh Lâm nói.

Tại Diễn đàn Du lịch cấp cao Việt Nam tổ chức cuối năm 2018, đại diện nhiều doanh nghiệp đã “than trời” vì  khách ngoại không mặn mà lưu trú qua đêm tại Thủ phủ du lịch miền Trung. Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giámđốc APT Travel cho biết: “Khách quốc tế của APT Travel đến Đà Nẵng nhiều nhưng lại ít ở lại mà di chuyển đến Hội An. Nếu không tắm biển, ăn hải sản và đến Bà Nà Hills, du khách không biết đi đâu, làm gì ở Đà Nẵng. Ban đêm, cũng không có sản phẩm du lịch nào để kéo khách ra đường, tiêu tiền…”. “Cả Đà Nẵng chỉ duy nhất có một sàn nhảy thì khách biết làm gì ban đêm?”, ông Đài đặt câu hỏi.

Biến “phần thiếu hụt” thành “nguồn doanh thu khổng lồ”

“Kinh tế ban đêm” ở Đà nẵng nhỏ lẻ, manh mún

Theo Phó Giáo sư Phạm Trung Lương (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch), thực trạng kể trên đã kéo theo rất nhiều hệ luỵ. Khách du lịch không biết tiêu tiền thế nào mỗi khi đêm về. Họ cũng thiếu chỗ vui chơi, giải trí và tệ hơn là tình trạng “một đi không trở lại” do quá nhàm chán, buồn tẻ. Ông Lương lấy dẫn chứng Đà Nẵng và cho rằng: Kinh tế ban đêm ở đây vẫn “ở góc độ nhỏ lẻ, manh mún”.

“Cái quan trọng nhất là khi du khách đến Việt Nam, phải có nhiều hoạt động dịch vụ hấp dẫn họ, khiến họ lưu trú lại nhiều ngày và tiêu nhiều tiền. Bên cạnh đó, khi xây dựng được các khu kinh tế đêm tập trung, không chỉ các địa phuơng có lợi mà Nhà nước cũng sẽ tăng được khoản thu từ thuế. Kinh tế ban đêm sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề này” - PGS.TS Phạm Trung Lương đặt vấn đề.

Ông Lương cho rằng, nên học mô hình ở các nước hiện đại, xây dựng các khu riêng biệt dành cho hoạt động về đêm mang quy mô và tầm cỡ lớn. Như vậy sẽ đảm bảo cung cấp các dịch vụ tốt, chất lượng, đồng bộ, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, khiến thời gian lưu trú của họ ở Việt Nam nhiều hơn và số tiền họ chi tiêu cũng lớn hơn, góp phần tăng thêm nguồn thu lớn từ du lịch.

PGS.TS Phạm Trung Lương cũng nói thêm: Nếu có chính sách tốt, nhiều tập đoàn lớn, có tiềm lực và thế mạnh ở lĩnh vực kinh tế, du lịch, giải trí như Sun Group, Vingroup… sẽ sẵn sàng đầu tư, xây dựng các khu vực dành riêng cho kinh tế ban đêm. Bởi họ sẽ thấy rõ tiềm năng, cơ hội thành công rõ ràng khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Phân tích sâu hơn, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc xem xét việc thúc đẩy kinh tế ban đêm. Kinh tế ban đêm đã mang lại cho Tokyo (Nhật Bản) khoảng 3,76 tỷ USD mỗi năm. Tại Anh, ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Tại Australia, mỗi năm, kinh tế  ban đêm mang lại 102 tỷ USD. So sánh ngay với Thái Lan, cùng khoảng thời gian lưu trú (9 ngày), khách quốc tế tại Việt Nam chỉ tiêu 96 USD/ngày; trong khi ở Thái Lan, họ tiêu 163USD/ngày”.

Đà Nẵng và nhiều địa phương du lịch khác ở nước ta đang ngủ quên trên “kho vàng” từ kinh tế ban đêm

Rõ ràng, “bỏ quên” kinh tế ban đêm đang là rào cản khiến du lịch Việt Nam đi sau nhiều nước. Nếu không sớm khắc phục tình trạng trên, ngành du lịch sẽ vẫn không thể giải được 5 bài toán mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra từ năm 2017: Làm thế nào du khách tìm đến Việt Nam đông hơn; ở lại lâu hơn; tiêu nhiều tiền hơn; để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể xấu về Việt Nam; làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại?

Ngày 19/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ, UBND Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương yêu cầu chủ động nghiên cứu chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế ban đêm của Trung Quốc. Với động thái mới nhất này, các chuyên gia kỳ vọng vào việc các địa phương sẽ sớm có những giải pháp tổng thể, kích hoạt kinh tế ban đêm, biến phần thiếu hụt này trở thành khu vực kinh tế đem lại nguồn doanh thu khổng lồ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục