Nghiên cứu mới khả năng khẩu trang làm giảm truyền nhiễm cúm và virus

08:04' - 04/04/2020
BNEWS Theo các nhà nghiên cứu về công dụng của khẩu trang y tế trong sự lây truyền của các virus corona và cúm, sử dụng phương pháp này có thể giúp hạn chế lây lan đại dịch COVID-19. 

PV TTXVN tại Anh dẫn kết quả nghiên cứu công bố mới đây cho thấy người mắc bệnh sử dụng khẩu trang y tế sẽ làm giảm số lượng các virus cúm phát tán ra môi trường bên ngoài thông qua hơi thở và ho.

Tuy nhiên, nghiên cứu không xem xét riêng tác dụng của việc đeo khẩu trang đối với virus corona chủng mới SARS-CoV-2. Các nhà khoa học cho rằng cần phải có thêm nghiên cứu để xác định liệu việc đeo khẩu trang có thực sự ngăn ngừa sự lây truyền của virus SARS-CoV-2.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature trong bối cảnh đại dịch đường hô hấp COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 1 triệu người trên thế giới với hơn 53.000 người bị tử vong. Giáo sư Benjamin Cowling, người đứng đầu nghiên cứu này của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Hongkong, cho biết những kết quả có thể thấy được từ việc dùng các khẩu trang bằng chất liệu vải cotton đơn giản.

Giáo sư Cowling cho rằng "đứng từ góc độ chuyên gia, khẩu trang bằng chất liệu vải hoặc vải cotton đều có tác dụng, có thể ít tác dụng hơn một chút so với loại khẩu trang y tế. Và đối với COVID-19, các nhà nghiên cứu đang xem xét các biện pháp có thể để giúp ngăn chặn bệnh dịch". 

Cho đến nay, chưa có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hiệu quả của việc đeo khẩu trang làm chậm sự lây truyền của các dịch bệnh. WHO khuyến cáo khẩu trang nên được dùng cho những ai bị các triệu chứng như ho hay sốt hoặc những người nghi hoặc đã nhiễm COVID-19, nhưng không khuyên những người khỏe mạnh sử dụng nó trong các tình huống hàng ngày.

Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy việc lây lan nhanh virus corona chủng mới SARS-CoV-2 một phần là do lây nhiễm đến từ những người không có biểu hiện có triệu chứng mắc bệnh.

Ông Rupert Beale, chuyên gia về sinh học lây nhiễm thuộc Viện Francis Crick tại London, người không tham gia trực tiếp vào nghiên cứu của giáo sư Cowling,  cho rằng nghiên cứu trên đã đưa ra những bằng chứng "mạnh mẽ và thuyết phục cho việc đeo khẩu trang là một cách để giảm bớt sự lây truyền một số loại virus, tuy nhiên đây không phải là viên đạn tiêu diệt kỳ diệu”.

Theo ông Beale, đeo khẩu trang không hoàn toàn ngăn ngừa được sự truyền nhiễm và không thể chỉ dựa trên một biện pháp mà phải kết hợp với các biện pháp khác như giãn cách xã hội thì mới có thể hình thành được "chiến lược thoát khỏi tình trạng phong tỏa"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục