Ngộ độc rượu dịp Tết và cách xử trí

10:22' - 08/02/2018
BNEWS Trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm được cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu sẽ tăng cao.

Ghi nhận tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, gần đây thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, điều trị có nguyên nhân liên quan đến rượu. Thậm chí đã có trường hợp tử vong, suy gan, suy đa tạng sau uống rượu.

Cảnh báo ngộ độc rượu dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa: Cao Nguyên/TTXVN

* Gia tăng tình trạng ngộ độc rượu dịp Tết

Ở nước ta, qua theo dõi nhiều năm, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2-4, trùng với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2-4 hàng năm đều tăng vọt 40-50% so với các tháng còn lại. Trong số các vụ ngộ độc rượu, ngộ độc rượu do hàm lượng methanol cao chiếm 32,1%; rượu ngâm thuốc lá chiếm 17,9%; rượu ngâm cây rừng độc chiếm 39,3%...

Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể.

Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng một bệnh. Nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5 - 6% số bệnh nhân và vẫn đang có xu hướng tăng.

Rượu cũng là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông…

Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong tháng đầu của năm 2018, tại Trung tâm có gần 10 bệnh nhân điều trị liên quan đến rượu bia. Trong đó, bệnh nhân Long, 47 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội làm thợ xây tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nhập viện trong tình trạng ngộ độc, nôn nhiều.

Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, xơ gan, tiền sử đái tháo đường. Hay như một bệnh nhân nữ 31 tuổi tại Bắc Giang nhập viện trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt. Khi vào viện các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.Trường hợp khác là bệnh nhân nam sinh năm 1985 nhập viện trong tình trạng suy tuỵ đặc biệt là tổn thương gan, men gan rất cao…

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao (cồn công nghiệp), rượu giả… do ý thức của người sản xuất kinh doanh, vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật. Trong khi đó, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, các cơ quan chức năng cũng chưa quản lý hiệu quả chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là rượu thủ công.

Để phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) yêu cầu các cơ quan chức năng vận động nhân dân tự giác cung cấp thông tin có liên quan đến các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm; cử cán bộ đến địa bàn phức tạp, trọng điểm về sản xuất, kinh doanh rượu để nắm tình hình; nhắc nhở, ký cam kết không sản xuất, bán các loại rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn; lên danh sách các đối tượng, đường dây, ổ nhóm, tụ điểm sản xuất, tiêu thụ rượu không đảm bảo an toàn để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh…

Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ; các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, thanh tra y tế, thanh tra an toàn thực phẩm… tăng cường trao đổi thông tin, kiểm tra với tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, thay đổi hành vi cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ đặc biệt chú trọng công tác thanh, kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo… nhất là tăng cường hệ thống để giám sát và phòng, chống các ca ngộ độc rượu.

* Xử trí và điều trị ngộ độc rượu

- Xử trí khi ngộ độc rượu:

+ Nếu nồng độ rượu trong máu dưới 3g/l, giã rượu bằng phương pháp dân gian, nằm nghỉ càng lâu càng tốt. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa).

+ Đặt người bị ngộ độc rượu ở tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.

+ Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai và mắt, loạn nhịp tim, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

- Cách điều trị người bị ngộ độc rượu:

+ Theo dõi huyết áp, mạch, nhịp thở, nhiệt độ thường xuyên.

+ Giảm độc tố của rượu: tăng chuyển hóa rượu bằng nhiều cách khác nhau, đầu tiên là các loại đường glucid, fructose, glucose để giảm nhanh nồng độ rượu trong máu, làm chậm sự hấp thu rượu.

+ Thông đường thở, cho thở ô xy, bóp bóng, máy thở hỗ trợ nếu cần, để loại nhanh cồn ethylic.

+ Nếu bệnh nhân hôn mê: xoay trở thường xuyên 2 giờ/lần để chống loét; đặt thông tiểu để theo dõi lượng nước tiểu của bệnh nhân; hút dịch tiêu hóa; làm ấm từ từ cơ thể, nếu hạ nhiệt độ; rửa dạ dày bằng than hoạt tính hoặc muối kiềm; sử dụng thuốc lợi tiểu. Nếu người bị ngộ độc rượu có biểu hiện vật vã cần cho thuốc an thần (lưu ý phải rất thận trọng); hỗ trợ tim mạch, ổn định huyết áp; sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu...

- Để phòng tránh ngộ độc rượu, Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo:

+ Không uống rượu pha cồn công nghiệp, rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

+ Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

+ Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

+ Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

+ Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia./.

[Nguồn: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), TTXVN]

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục