Cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu

10:24' - 24/03/2017
BNEWS Vào hồi 20 giờ ngày 23/3, Khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm với củ ấu tàu.

Do được phát hiện sớm và kịp thời đưa đến bệnh viện nên cả 3 người đã qua cơn nguy kịch. Điều đáng nói là từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận và điều trị hàng chục ca ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu.

Hàng loạt vụ ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu

Bác sỹ Đinh Thị Đầm, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết: 3 trường hợp chuyển đến bệnh viện điều trị là Luân Văn Thuần, Luân Văn Thể và Hứa Văn Tường cùng trú tại thôn Bắc Lanh Trang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Khi chuyển đến bệnh viện, cả 3 bệnh nhân đều trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, da tái nhợt, tê lưỡi, nôn, hoa mắt chóng mặt, đồng tử giãn... do bị ngộ độc rượu ở dạng nguy hiểm. Qua thăm khám ban đầu, các bác sỹ xác định, 3 trường hợp trên bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu.

Ngay sau đó các bệnh nhân được truyền dịch, thở o xy, dùng thuốc và tiến hành rửa dạ dày. Hiện sức khỏe các bệnh nhân đã dần hồi phục tốt. Sau khi điều trị tích cực 3-5 ngày nữa các bệnh nhân có thể ra viện.

Bệnh nhân ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn. Ảnh: Bùi Đức Hiếu-TTXVN

Anh Luân Văn Thể, người bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu cho biết: Anh xin được một ít củ ấu tàu, sau đó anh thái lát để ngâm rượu, bình rượu đã ngâm được hơn 1 năm. Khoảng 17 giờ ngày 23/3, sau khi đi làm về, anh cùng người em ruột và một người hàng xóm lấy rượu củ ấu tàu ra uống.

Sau khi uống được khoảng 20 phút anh cảm thấy tê lưỡi, nóng đầu, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nóng bụng, tức ngực, khó thở. Anh Thể cũng chỉ nghe đến củ ấu tàu chứ không biết tác dụng hay sử dụng loại củ này như thế nào.

Theo chị Đinh Thị Liêm, vợ anh Luân Văn Thuần: Chồng chị không nghiện rượu, khi có dịp anh mới uống. Do uống ít nên anh Thuần bị nhẹ hơn 2 người còn lại.

Trước đó, vào ngày 11/2, 4 người gồm ông Bàn Kim Thanh 55 tuổi, ông Triệu Phúc Sinh 41 tuổi, ông Triệu Phúc Vinh 56 tuổi, ông Bàn Kim Sơn 56 tuổi đều trú tại thôn Khuổi Đeng II, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, tổ chức ăn canh rượu nấu với bột củ ấu tàu và trứng gà tại nhà.

Sau khi ăn xong khoảng 30 phút, cả 4 người đều có cảm giác buồn nôn và nôn, kèm theo cảm giác tê bì ở đầu lưỡi, khoang miệng. Sau đó cả 4 người đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

Sau khi được các y, bác sỹ thăm khám, tiến hành các biện pháp cấp cứu kịp thời cả 4 bệnh nhân đều qua cơn nguy kịch, sau đó đã ổn định sức khỏe và được ra viện.

Vào tháng 12/2015, cũng tại địa bàn xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn canh rượu nấu với củ ấu tàu và trứng gà. Vụ ngộ độc đã khiến 4 người trong một gia đình phải nhập viện cấp cứu. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên cả 4 người đều qua cơn nguy kịch.

Cần tăng cường tuyên truyền đến người dân

Bác sỹ Đinh Thị Đầm cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa đã tiếp nhận và chữa trị cho hàng chục bệnh nhân bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu, có ngày đến 3-4 người bị ngộ độc, đặc biệt dịp lễ, Tết người dân uống rượu nhiều nên tình trạng ngộ độc càng gia tăng.

Theo bác sỹ Đinh Thị Đầm, ngộ độc do củ ấu tàu là ngộ độc nặng, hiện vẫn chưa có chất giải độc đặc hiệu, chỉ sử dụng các phương pháp xử trí ngộ độc chung. Rất may các trường hợp này do mới uống lượng rượu nhỏ nên tình trạng ngộ độc không quá nặng.

Bác sỹ Đầm khuyến cáo, khi xác định có biểu hiện ngộ độc củ ấu tàu, bệnh nhân cần được xử trí cấp cứu ban đầu như có thể gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa tới bệnh viện điều trị. Khi phát hiện người bị ngộ độc, tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà tự theo dõi và điều trị, bệnh nhân có thể tử vong nhanh do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.

Củ ấu tàu (ấu tẩu) là một loại củ cứng như đá tai mèo, xù xì, gai góc. Ảnh: Ngọc Quang

Theo bác sỹ Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn, củ ấu tàu (tiếng Tày là ấu tẩu) là rễ củ của cây ô đầu Việt Nam, tên khoa học là Aconitum fortunei. Cây thường mọc hoang ở vùng núi.

Độc tính chứa trong nó là acotinin, một loại alkaloid có hoạt tính sinh học rất mạnh. Củ ấu tàu thường được bà con mua về để ngâm rượu hoặc nấu cháo ăn.

Theo y học dân tộc, củ ấu tàu có vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi , tê bại, bán thân bất toại. Vì thế chỉ dùng xoa bóp dưới dạng rượu thuốc (rễ củ thái mỏng, ngâm rượu).

Bác sỹ Nguyễn Quyết Thắng khuyến cáo, khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu người bệnh cần hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.

Người dân không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách; tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tàu, hoặc nấu cháo ăn, sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong; các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em…

Đặc biệt, chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa hiểu biết về củ ấu tàu và cách sử dụng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

>> 7 thanh niên nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc methanol trong rượu

>> Phạt tù cặp vợ chồng sản xuất rượu ngoại giả

>> Khuyến cáo 6 cách phòng tránh ngộ độc rượu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục