Ngoại giao Thế vận hội: Cơ hội đối thoại giữa Mỹ - Triều (Phần 2)

06:30' - 28/02/2018
BNEWS Việc cử em gái tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang cho thấy thiện chí của ông Kim Jong-un trong cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và sự tích cực của ông trong xử lý quan hệ với Mỹ.

Ngoại giao Thế vận hôih: Cơ hội đối thoại giữa Mỹ - Triều. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Báo Liên hợp buổi sáng cũng dẫn nguồn truyền thông Hàn Quốc cho biết ông Kim Jong-un cử bà Kim Yo Jong, em gái của mình tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên dự Lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Giới chức Hàn Quốc cho rằng bà Kim Yo Jong trong chuyến đi tới Seoul lần này nhiều khả năng sẽ mang theo cả thư tay của ông Kim Jong-un, đồng thời thực hiện sứ mệnh đối thoại gián tiếp với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc. 

Bình luận về động thái này, Giáo sư Trường Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng việc cử em gái tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang đã cho thấy thiện chí của ông Kim Jong-un trong cải thiện quan hệ với Hàn Quốc cũng như sự tích cực của ông trong việc xử lý quan hệ với Mỹ.

Tuy nhiên, do cả ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên-Trưởng đoàn đại biểu và bà Kim Yo Jong đều nằm trong danh sách trừng phạt của của phía Bộ Tài chính Mỹ, ngoài ra ông Kim Yong-nam còn bị liệt vào danh sách các quan chức Triều Tiên bị trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, do đó Hàn Quốc trước mắt cần làm tốt công tác kết nối và vận động LHQ và cộng đồng quốc tế. 

Từ ngày triển khai ngoại giao Thế vận hội mùa Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên khá hòa dịu. Trong thời gian diễn ra Thế Vận hội mùa Đông Pyeongchang, dư luận quốc tế dường như tập trung nhiều hơn đến mối tương tác giữa Hàn Quốc-Triều Tiên, Mỹ-Triều Tiên và Hàn Quốc-Nhật Bản để từ đó dự đoán chiều hướng diễn biến tình hình trên bán đảo Triều Tiên

Về quan hệ Hàn-Triều, Hàn Quốc hoan nghênh việc ông Kim Yong-nam dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Mối tương tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là kết quả của ngoại giao Thế vận hội mùa Đông mà chính quyền Moon Jae-in thực hiện.

Để đảm bảo tổ chức suôn sẻ Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực để xử lý ổn thỏa mối quan hệ Hàn-Triều, Hàn-Mỹ, vì vậy phải đối mặt với áp lực kép đến từ Mỹ và trong nước. Theo kết quả thăm dò mới nhất của một cơ quan thăm dò Hàn Quốc, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in đã kết thúc chiều hướng “liên tiếp 3 lần sụt giảm” và đang tăng trở lại, lên đến 62,6%. 

Về quan hệ Mỹ-Triều, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết chuyến đi của ông tới Hàn Quốc lần này là nhằm cổ vũ cho các vận động viên Mỹ, nhưng đồng thời sẽ truyền đi thông điệp rằng đã kết thúc thời đại “nhẫn nhịn chiến lược”, Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép kinh tế và ngoại giao cho đến khi Triều Tiên hoàn toàn và vĩnh viễn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson ngày 5/2 cho biết không loại trừ khả năng Phó Tổng thống Pence hoặc các quan chức Mỹ khác chấp nhận lời mời đàm phán với Đoàn đại biểu Triều Tiên. 

Trước thái độ cứng rắn của Mỹ, Triều Tiên cũng bày tỏ thái độ đối đầu gay gắt. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho gần đây gửi thư tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, lên án Mỹ khăng khăng cử cụm tàu sân bay chiến đấu chạy bằng năng lượng hạt nhân đến hoạt động tại vùng biển xung quanh Triều Tiên, kêu gọi LHQ quan tâm vấn đề này và áp dụng biện pháp tương ứng. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ được tiết lộ "trong vài tuần tới”, đồng thời kêu gọi tất cả các nước thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt hiện tại của LHQ và ủng hộ chiến dịch gây áp lực của Mỹ bằng cách trục xuất "những người điều hành tài chính và đại diện thương mại của Triều Tiên".

Triều Tiên dự kiến điều 23 vận động viên, khoảng vài trăm cổ động viên, một dàn nhạc và một nhóm trình diễn Takewondo tới Thế Vận hội, và sẽ thành lập một đội hình chung môn khúc côn cầu nữ với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Washington vẫn nhất trí sẽ nối lại các cuộc tập trận quân sự chung, điều luôn khiến Triều Tiên tức giận, sau khi Thế vận hội dành cho người khuyết tật kết thúc vào ngày 18/3

Một vấn đề khác nữa là Triều Tiên được cho là đã yêu cầu Hàn Quốc cung cấp nhiên liệu cho một chuyến phà chở một dàn nhạc đến Thế vận hội, và tiếp đón họ trong thời gian lưu trú tại đây.

Dầu vốn là một phần quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, còn Washington thì luôn thúc giục các nước phải cắt giảm mạnh mẽ các nguồn cung cấp năng lượng cho quốc gia bị cô lập này.

Nếu Hàn Quốc chấp nhận yêu cầu này, đồng nghĩa với việc họ vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ. Trong khi đó, Triều Tiên vẫn đang bị cáo buộc đánh cắp hàng triệu USD bằng cách thâm nhập vào các giao dịch tiền bí mật.

Về quan hệ Hàn-Nhật, ngày 24/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang và thăm Hàn Quốc. Chính phủ Hàn-Nhật gần đây không ngừng tranh cãi về vấn đề “nô lệ tình dục”. Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Nhật Abe khó có thể cải thiện quan hệ Nhật-Hàn. 

Về chiến lược đối với Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản có những bất đồng rõ rệt. Chính quyền Abe luôn duy trì chính sách gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên và có sự khác biệt so với Hàn Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục