Ngổn ngang những dấu hỏi trên chính trường Canada

13:55' - 23/10/2019
BNEWS Sau cuộc đua 40 ngày hối hả và nghẹt thở đến phút chót, nhà lãnh đạo đảng Tự do, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang phải cân nhắc về những gương mặt đại diện trong nội các.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại Montreal ngày 21/10/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Sau cuộc đua 40 ngày hối hả và nghẹt thở đến phút chót, nhà lãnh đạo đảng Tự do, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang phải cân nhắc về những gương mặt đại diện trong nội các và tìm kiếm giải pháp “làm việc” với quốc hội, sau khi cử tri Canada lựa chọn một chính phủ thiểu số.

Đảng Tự do thiếu 13 ghế để duy trì thế đa số (tối thiểu 170 ghế) tại hạ viện. Ở vào thế thiểu số có nghĩa là đảng Tự do sẽ cần phải hợp tác với các đảng khác để có thể thông qua các luật mới hay “sống sót” qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo giới quan sát, chính phủ đảng Tự do có hai sự lựa chọn. Một là, tùy từng vấn đề cụ thể để tìm sự ủng hộ của một hay nhiều đảng. Hai là, dàn xếp một thỏa thuận lâu dài với một đảng nhỏ hơn để có được thế đa số ở quốc hội.

Kết quả bầu cử cũng đã hé lộ một chỉ dấu đáng lo ngại: không một đại diện nào của đảng Tự do thắng cử ở hai tỉnh bang Alberta (An-béc-ta) và Saskatchewan.

Một thách thức rõ ràng đối với chính phủ đảng Tự do đó là làm thế nào để “sửa chữa” mối quan hệ với Alberta và Saskatchewan, trong khi đang phải cậy nhờ vào các đảng khác, chẳng hạn như đảng Dân chủ mới (NDP) của ông Jagmeet Singh, người đã để ngỏ khả năng đàm phán với đảng Tự do khi tuyên bố “mọi phương án đều có thể được đề cập đến”.

Việc đảng Tự do trắng ghế ở Alberta (tỉnh bang đông dân thứ tư tại Canada) và Saskatchewan là minh chứng cho thấy xã hội Canada đang bị chia rẽ sâu sắc như thế nào.

Các thủ hiến tại hai tỉnh này đã công khai chỉ trích Thủ tướng Trudeau và chính sách về khí hậu của Ottawa. Chiến thắng của Thủ tướng Trudeau ngày 21/10 đang thổi bùng lên kịch bản Alberta ly khai với Canada.

Trong bối cảnh đó, việc đảng Tự do sẽ phải bắt tay với NDP được đánh giá không phải “tin tốt lành” đối với người dân ở Alberta và Saskatchewan – những người vốn đã không thích chính sách thuế carbon của Thủ tướng Trudeau.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình thế khó xử này là đường ống dẫn dầu Trans Mountain, hệ thống đường ống dài 1.150 km vận chuyển dầu từ Alberta tới British Columbia.

Là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư thế giới, nhưng ngành dầu mỏ của Canada đang phải vật lộn với giá dầu thấp và tình trạng thiếu đường ống dẫn để đưa dầu mỏ tới các thị trường mới.

Chính phủ Canada đã phê chuẩn đề xuất nâng cấp hệ thống Trans Mountain nhằm tăng gấp 3 lần công suất vận chuyển dầu, phục vụ mục đích xuất khẩu.

Cử tri ủng hộ Thủ tướng Canada Justin Trudeau vui mừng sau khi kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử được công bố ngày 21/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối với Alberta và Saskatchewan, dự án mở rộng đường ống dẫn dầu Trans Mountain là cơ hội lớn để phát triển kinh tế.

Alberta đang đóng góp tới 80% sản lượng dầu của Canada, trong khi Saskatchewan chiếm khoảng 12% sản lượng dầu quốc gia.

Tuy nhiên, quyết định của chính phủ đảng Tự do hồi năm 2018 cứu Trans Mountain đang phải đối mặt những khó khăn về pháp lý và làm dấy lên làn sóng phản đối của các nhà hoạt động môi trường, cùng sự chỉ trích gay gắt của đảng Xanh. NDP cũng có quan điểm phản đối dự án đường án dẫn dầu Trans Mountain.

Nếu Ottawa hủy bỏ Trans Mountain để “dỗ dành” NDP thì sẽ gây phản ứng mạnh tại Alberta và Saskatchewan, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này.

Nhưng nếu Ottawa vẫn triển khai dự án Trans Mountain thì bài toán cộng tác với NDP sẽ khá nan giải. Giáo sư chính trị Daniel Beland ở Đại học McGill cho rằng trong bối cảnh đảng Tự do phải cộng tác với NDP, mà NDP lại phản đối Trans Mountain, thì có lẽ cả Tự do và NDP sẽ phải “giảm bớt cái tôi của mình”.

Trên thực tế, ngoài việc mở rộng đường ống dẫn dầu Trans Mountain, hai vấn đề “nóng” nhất mà quốc hội mới của Canada sẽ phải đối mặt là chống biến đổi khí hậu và luật 21 của tỉnh Quebec.

Về chống biến đổi khí hậu, đảng Tự do cam kết tăng thuế carbon từ mức 20 CAD/tấn khí thải hiện nay lên 50 CAD/tấn vào năm 2022. Chính sách trên tính đến thời điểm này là “an toàn” vì nhận được sự ủng hộ của NDP, đảng Xanh và khối Quebec.

Trong khi đó, Khối Quebec, chính đảng đã đánh dấu sự trở lại ngoạn mục với 32 ghế tại quốc hội - trở thành đảng lớn thứ ba tại Canada, và đảng Tự do của ông Trudeau đang bất đồng về luật 21 tại Quebec cấm công chức (hoạt động trong một số lĩnh vực) mang các biểu tượng tôn giáo.

Luật cấm giáo viên, cảnh sát, công tố viên và các vị trí khác trong chính quyền mang các biểu tượng tôn giáo như khăn trùm đầu của người Hồi giáo hay khăn xếp của người Sikh.

Quebec, tỉnh bang đông dân thứ hai tại Canada, đã luật hóa một biện pháp mà các đảng đối lập và các nhà quan sát nhân quyền chỉ trích là “sự sỉ nhục đối với tự do cá nhân”.

Lãnh đạo Khối Quebec Yves-Francois Blanchet cho biết 70% người dân tại Quebec ủng hộ luật này, trong khi lãnh đạo NDP Jagmeet Singh bày tỏ luật này khiến ông "tổn thương” . Thủ tướng Trudeau, người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa văn hóa, từng tuyên bố sẽ cân nhắc chống lại luật này.

Chính phủ mới của Canada sẽ phải chèo lái đưa nền kinh tế có quy mô 2.000 tỷ CAD vượt qua nhiều cơn gió ngược. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới dự kiến sẽ chậm lại và tình trạng này rất có thể sẽ ảnh hưởng tới Canada.

Những xung đột thương mại trên quy mô toàn cầu, cùng với một Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) còn đang “dang dở” cũng là một khó khăn đối với chính phủ mới. NAFTA phiên bản 2.0 mặc dù được Mỹ, Canada và Mexico ký kết tháng 11/2018, nhưng cho đến nay mới chỉ có Mexico phê chuẩn nội dung hiệp định.

Ngoài nhiều vấn đề chung tại các nước công nghiệp phát triển (như sức sản xuất tăng chậm, tốc độ tăng lương thấp hơn mức trung bình,…), các nhà hoạch định chính sách của Canada còn phải đối phó với một vấn đề mang tính “đặc thù của Canada”, đó là bất cứ một cú sốc nào cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách liên bang.

Trong cương lĩnh tranh cử vừa qua, các chính đảng lớn tại Canada đều dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách trong 4 năm tới, nếu thắng cử.

Theo kế hoạch của đảng Tự do, thâm hụt ngân sách của Canada sẽ được đẩy lên 27,4 tỷ CAD trong năm tới, vượt mức 1% GDP lần đầu tiên kể từ năm 2012. Mức thâm hụt dự kiến sẽ giảm xuống 21 tỷ CAD vào năm 2023.

Tuy nhiên, trong kế hoạch ngân sách của mình, đảng Tự do vẫn muốn duy trì xu hướng giảm của tỷ lệ nợ/GDP, từ mức 30,9% năm 2018 xuống 30,2% năm 2023. Đáng chú ý, đảng Tự do cam kết bảo toàn mức xếp hạng tín nhiệm vàng AAA của Canada.

Về đối ngoại, những đổi thay trong môi trường quốc tế đang khiến Canada phải vật lộn tìm hướng đi mới, trong bối cảnh các mối quan hệ cũ có dấu hiệu sứt mẻ.

Mối quan hệ từng rất tốt đẹp với Mỹ, vốn được coi là một trong ba trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Canada, đang ngày càng gượng gạo sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền với chính sách "Nước Mỹ trước tiên".

Tình hình rối ren và phức tạp trên chính trường một loạt đồng minh chủ chốt của Canada trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), như Anh, Pháp, Đức... phần nào làm gián đoạn hợp tác giữa Ottawa với các nước này.

Căng thẳng ngoại giao giữa Canada với Trung Quốc, Saudi Arabia... vẫn tiếp tục nổi cộm.

Những diễn biến này khiến Thủ tướng Justin Trudeau được dự báo sẽ đối mặt với một nhiệm kỳ đầy thách thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục