Người dân châu Âu tiết kiệm thế nào trong bối cảnh hóa đơn tiền điện gia tăng?

07:03' - 29/08/2022
BNEWS Các quốc gia EU đang triển khai các cơ chế nhằm tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh giá khí đốt và hóa đơn tiền điện tăng cũng như để bảo tồn những nguồn tài nguyên ngày càng trở nên khan hiếm.

Toàn Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thực hiện các kế hoạch giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong giai đoạn từ 1/8/2022-31/3/2023 để ứng phó với cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, nhiều nước thành viên cũng đã thực hiện các nỗ lực ở cấp quốc gia để tiết kiệm năng lượng.

 

Italy đã triển khai chiến dịch "Operation Thermostat", theo đó giảm nhiệt sưởi ấm và  giảm điều hòa không khí tại trường học và các tòa nhà công. Đức và Pháp cũng đã kêu gọi các lĩnh vực công đi đầu các nỗ lực tiết kiệm điện theo những cách tương tự.

Tại Đức, các tòa nhà công sở, trong đó có cả tòa nhà quốc hội, sẽ không sử dụng nước nóng. Các cửa hàng tại Pháp được yêu cầu đóng cửa khi bật điều hòa không khí, nếu vi phạm sẽ bị phạt.

Từ 10/8, Tây Ban Nha áp dụng các quy định hạn chế sử dụng điều hòa không khí và  không đặt nhiệt độ thấp hơn 27 độ C trong những tháng nóng nhất trong năm. Quy định áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, từ các phương tiện giao thông công cộng đến các cửa hàng, văn phòng, nhà hát và rạp chiếu phim.

Trong khi đó, mức nhiệt sưởi ấm tối đa trong mùa Đông là 19 độ C. Đến cuối tháng 9, tất cả những cơ sở có điều hòa nhiệt độ hoặc hệ thống sưởi ấm tại nước này đều phải có hệ thống đóng mở cửa tự động để tránh lãng phí điện.

Về hệ thống chiếu sáng công cộng, tại Pháp, các màn hình quảng cáo có lắp đèn chiếu sáng bị cấm hoạt động từ 1-6h sáng hằng ngày, trừ những nơi như sân bay hay ga tàu hỏa. Ước tính, một màn hình kỹ thuật số LCD rộng 2 m2 sẽ tiêu thụ lượng điện năng trung bình hằng năm tương đương mức tiêu thụ của một hộ gia đình cho mục đích chiếu sáng và sử dụng các sản phẩm gia dụng, không tính sưởi ấm.

Thủ đô Vienna (Áo) sẽ không thắp sáng đèn Giáng sinh ở đại lộ Ring nổi tiếng bao quanh trung tâm thủ đô. Đèn chiếu sáng tại chợ Giáng sinh ở quảng trường trước tòa nhà thị chính sẽ chỉ được bật vào ban đêm. Tại Tây Ban Nha, từ 22h, các cửa hàng phải tắt các đèn cửa sổ, đèn trang trí tại các tòa nhà công cũng phải tắt. Tại Đức, thành phố Augsburg cũng đã yêu cầu dừng hoạt động các đài phun nước.

Từ tháng 9, các bể bơi tư nhân tại Đức bị cấm sử dụng hệ thống sưởi ấm. Một số thành phố phải hạ mức nhiệt tại các bể bơi, giảm số đèn chiếu sáng đô thị. Liên minh nhà ở tại thành phố Dresden ở miền Đông đã tuyên bố sẽ hạn chế nước nóng ở một số thời điểm trong ngày.

Tập đoàn bất động sản Vonovia lớn nhất của Đức cũng lên kế hoạch giới hạn mức nhiệt sưởi ấm ở 350.000 nhà ở thuộc quản lý của tập đoàn này ở mức 17 độ C vào ban đêm. Người dân Phần Lan được khuyên nên giảm thời gian đi tắm hơi.

Trong những thói quen hằng ngày, từ tháng 10, Phần Lan sẽ khuyến khích người dân giảm nhiệt độ máy sưởi, giảm thời gian tắm và không sưởi ấm gara. Một chiến dịch vận động mùa Hè tại Đức bao gồm nội dung kêu gọi người dân sử dụng vòi tắm tiết kiệm nước./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục