Người dân chưa đồng thuận trong quy hoạch khu đô thị Hưng Mai - Sơn La

17:33' - 29/11/2018
BNEWS Thực hiện mục tiêu nâng cấp từ đô thị loại V lên đô thị loại IV vào năm 2020, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã quy hoạch khu đô thị Hưng Mai thuộc xã Nà Nghịu.
Tuy nhiên, khi triển khai quy hoạch lại chưa nhận được sự đồng thuận của các hộ dân sinh sống trong vùng quy hoạch.

Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đô thị Hưng Mai, xã Nà Nghịu được công bố tại khu dân cư. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Theo báo cáo của UBND huyện Sông Mã, tổng diện tích thực hiện quy hoạch khu đô thị Hưng Mai là 19,15ha. Hiện nay, diện tích đất đã được người dân đồng thuận để quy hoạch là 11,26 ha, phần còn lại vẫn chưa nhận được sự đồng thuận và nhất trí của các hộ dân thuộc bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu. Do người dân không đồng tình chính quyền địa phương cắm mốc quy hoạch nên đến nay mới cắm được 33/50 mốc giới.

Theo bà con nơi đây, bản hiện có hơn 170 hộ với 800 nhân khẩu và hầu hết đều là người dân từ miền xuôi lên sinh sống. Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước về việc vận động nhân dân từ vùng đồng bằng lên miền núi để khai hoang, phát triển kinh tế, gần 100 gia đình từ tỉnh Hưng Yên đã đến khai phá vùng đất này. Từ đó đến nay, người dân đã cải tạo được một khu vực rộng lớn với diện tích gần 20 ha để phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt đã tìm ra được mô hình mang lại giá trị kinh tế cao.

Chị Phạm Thị Sáu, bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu cho biết, trước kia khu này toàn bộ là trồng lúa. Từ năm 2013, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, bà con trong bản đã chuyển sang nuôi cá, ba ba, trồng rau và trồng hoa.

Trên mảnh đất của gia đình do có nhiều hố bom nên đã chuyển đổi sang làm ao nuôi cá, nguồn thu và hiệu quả cao gấp 5 đến 10 lần so với trồng lúa. Nhận thấy hiệu quả của việc chuyển đổi, gia đình chị đã thuê thêm khoảng 18 sào để mở rộng diện tích ao nuôi cá giống và cá thương phẩm. Trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ các chi phí vẫn còn lãi gần 1 tỷ đồng.

Khi hay tin huyện Sông Mã triển khai quy hoạch khu đô thị Hưng Mai, cả gia đình đều lo lắng bởi nếu bị thu hồi đất sẽ không biết lấy gì để sản xuất, làm ăn.

Khu vực nuôi ba ba của người dân tại bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Chị Phạm Thị Sáu bày tỏ, nếu huyện lấy đất để làm khu đô thị thì phải đảm bảo cuộc sống của người dân khi đến nơi ở mới, ít nhất phải bằng hoặc hơn cuộc sống hiện tại thì bà con mới yên tâm được.

Việc lo lắng trước nguy cơ mất đất sản xuất, không có việc làm đang là tình trạng chung của nhiều người dân tại bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu. Anh Nguyễn Anh Tuấn, bản Hưng Mai chia sẻ, hiện tại gia đình anh đang sản xuất các loại hoa như hồng, cúc, lay ơn trên diện tích 2.000 m2.

Trước đây, khi trồng lúa thì với diện tích như thế chỉ đảm bảo lương thực trong 1 năm. Từ khi gia đình chuyển đổi sang trồng hoa, đến nay kinh tế đã khá giả hơn, cuộc sống đảm bảo ổn định và trừ chi phí cũng cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Anh cũng như nhiều người dân ở đây cho rằng, việc lập dự án quy hoạch ở cánh đồng này là không hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Bà con không cản trở, nhưng chính quyền phải đảm bảo an sinh xã hội cho chúng tôi sau khi thu hồi đất.

Một vấn đề khác cũng khiến nhiều người dân nằm trong vùng quy hoạch không đồng thuận. Đó là khi họ đặt vấn đề với chính quyền địa phương về việc giải quyết sinh kế sau khi thu hồi đất thì được trả lời là huyện sẽ hỗ trợ bà con tìm các công việc mới, chuyển đổi ngành nghề sang kinh doanh dịch vụ, đào tạo nghề, đi lao động ở nước ngoài...

Bà Vũ Thị Dục, bản Hưng Mai cho hay, trên cánh đồng của bản, bà con hiện đang nuôi ba ba, thả cá giống và trồng hoa cho thu nhập rất ổn định. Trung bình mỗi nhân khẩu có thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/năm. Nếu chuyển sang làm các công việc khác thì thu nhập liệu có đảm bảo hay không?.

Anh Nguyễn Anh Tuấn lo lắng bày tỏ, hiện nay có bằng đại học còn chưa xin được việc, vậy người qua đào tạo nghề có đảm bảo xin được việc làm. Hơn nữa, hầu hết các hộ dân ở đây đều đã có tuổi, nếu phải đi học để chuyển đổi ngành nghề sẽ không thích hợp.

Theo UBND huyện Sông Mã, phương án sử dụng đất của đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của khu đô thị Hưng Mai gồm: đất dịch vụ hỗn hợp; đất công viên cây xanh, đất giao thông, đất ở. Ngoài ra, vùng quy hoạch khu đô thị mới không ảnh hưởng đến toàn bộ người dân ở bản Hưng Mai mà chỉ có hơn 70 hộ nằm trong khu vực này. Tổng diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch của bản Hưng Mai là hơn 94.000m2.

Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã cho biết, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, huyện đã lập xong quy hoạch để triển khai các dự án.

Khu vực nuôi cá của một hộ dân ở bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Khi quy hoạch được triển khai sẽ liên quan đến việc thực hiện các dự án trên địa bàn. Từ đó, chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng cũng được đảm bảo.

Đối với các ý kiến, kiến nghị của bà con, huyện đã tiếp thu và thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Trên cơ sở các vướng mắc trong quá trình triển khai và ý kiến của các hộ dân, huyện cũng đã tổ chức đối thoại, với sự tham gia trực tiếp các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch hội đồng nhân dân huyện và các cơ quan liên quan.

Qua đó, ý kiến của người dân thuộc 3 nhóm vấn đề gồm: cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng; hỗ trợ ổn định đời sống lâu dài của bà con; một số ý kiến chưa nhất trí cao với việc thực hiện công tác quy hoạch, đề nghị dừng quy hoạch khu đô thị Hưng Mai. Tất cả các ý kiến này huyện đã tổng hợp và trả lời bằng văn bản đến từng hộ dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã cho biết thêm, những vướng mắc nêu trên đang được huyện tuyên truyền trên cơ sở các cơ chế của tỉnh và huyện. Thông qua việc đo đạc trực tiếp để xác định diện tích đất các hộ phải thu hồi, huyện cũng sẽ có phương án cụ thể nhằm ổn định đời sống, sản xuất và hỗ trợ sau khi thu hồi đất nông nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục