Người dân mong muốn có thêm những cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông

14:04' - 01/12/2017
BNEWS Từ năm 1995 đến nay, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tây Ninh đã tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng được 4 cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông.

Nhằm tạo điều kiện cho các xã biên giới của tỉnh Tây Ninh phát triển kinh tế, thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân, cũng như góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, từ năm 1995 đến nay, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tây Ninh đã tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng được 4 cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông là: Cầu Gò Dầu và cầu Bến Đình (nối liền 2 huyện Gò Dầu và Bến Cầu), cầu Gò Chai và cầu Bến Sỏi (huyện Châu Thành).

Thế nhưng, trên thực tế hiện nay ở nhiều xã biên giới nằm bên kia bờ sông Vàm Cỏ Đông, người dân vẫn phải đi bằng phà khi qua sông.

Anh Phạm Trường Giang, ngụ ấp Cây Ổi, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, cho biết: Một người cùng một xe mô tô đi phà bến Cây Ổi ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, nằm giáp ranh giữa xã Hòa Thạnh với xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, sẽ mất phí là 6.000 đồng/lượt. Nhưng phải có đủ từ 3 đến 5 người thì phà mới chạy, mỗi lần ngồi chờ rất lâu, có khi chờ đến 30 phút nên khi người dân có việc cần đi ngay cũng không được, rất bất tiện.

Người dân xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, rất mong Nhà nước xây dựng một cây cầu kiên cố để thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Oanh (49 tuổi) ngụ ấp Cây Ổi, xã Hòa Thành, huyện Châu Thành là người lái phà ở bến Cây Ổi. Ông mong Nhà nước tạo điều kiện, sớm đầu tư xây dựng cây cầu cho người dân đi lại, vì lợi ích chung của người dân là trên hết, còn ông không lái phà sẽ đi làm việc khác.

Người dân ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông hàng ngày phải qua sông bằng phà. Còn những người dân ở hạ nguồn sông Vàm Cỏ Đông thuộc 3 xã Phước Chỉ, Phước Lưu, Bình Thạnh của huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cũng mong có cây cầu bắc qua sông nối địa bàn 3 xã trên với xã An Hòa và trung tâm hành chính huyện Trảng Bàng.

Bà Lê Thị Kiệt, 73 tuổi, nhà ngay cạnh bến đò Lái Mai, ấp Phước Lập, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, cho biết: Người dân ở 3 xã Phước Chỉ, Phước Lưu, Bình Thạnh đi làm công nhân tại khu công nghiệp Trảng Bàng rất nhiều, mỗi lần đi lại qua phà phải chờ rất lâu.

Hiện tại người dân các xã này muốn đi đến trung tâm huyện Trảng Bàng làm giấy tờ hay các công việc khác bằng đường bộ, phải đi vòng hơn 50 km để qua hai huyện khác là Bến Cầu và Gò Dầu rồi mới đến được thị trấn Trảng Bàng. Dù hiện nay đã có phà Lái Mai hoạt động nhưng việc qua phà rất tốn kém, lại nguy hiểm, nhất là vào những ngày sông Vàm Cỏ Đông có lục bình dày đặc kèm theo mưa giông.

Ông Trần Văn Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, cho biết con đường đến phà Lái Mai đã được UBND huyện Trảng Bàng đầu tư kinh phí trải nhựa bằng phẳng. Hiện nay, người dân xã Bình Thạnh mong Trung ương hoặc tỉnh đầu tư kinh phí xây cầu nối 3 xã Phước Chỉ, Phước Lưu, Bình Thạnh với trung tâm huyện Trảng Bàng. Có cây cầu, việc đi lại của người dân sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Người dân có thể đi làm nhiều hơn ở các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết, theo Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, ngoài 4 cây cầu đã được xây dựng qua sông Vàm Cỏ Đông, 3 cây cầu nữa sẽ lần lượt được đầu tư hằng năm theo lộ trình.

Theo dự kiến, cầu Cây Ổi nối các xã Hòa Thạnh, Hòa Hội, Biên Giới, Thành Long, Ninh Điền với Phước Vinh và các huyện phía Bắc của tỉnh như Tân Biên, Tân Châu sẽ được đầu tư xây dựng vào năm tới với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.

Còn đối với cầu An Hòa nối 3 xã Phước Chỉ, Phước Lưu, Bình Thạnh của huyện Trảng Bàng với thị trấn Trảng Bàng, do đây là vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông nên khoảng cách giữa 2 bờ rất dài, kinh phí đầu tư xây dựng cây cầu An Hòa sẽ rất lớn, dự kiến trên 300 tỷ đồng nên chưa thể đầu tư được ngay.

Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, các bến phà vẫn được phép hoạt động ổn định, nhưng Sở Giao thông vận tải Tây Ninh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động của bến phà nhằm đảm bảo an toàn của người dân khi qua sông.

>>>Gần 1.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục