Người dân mong muốn nền đường Quốc lộ 19 có độ cao phù hợp

08:53' - 08/02/2023
BNEWS Ngoài việc tiềm ẩn mất an toàn giao thông, khó khăn trong việc đi lại, việc nâng cấp nền đường đã khiến một số nhà dân nằm dưới sâu, mỗi khi có mưa lớn là ngập nặng.

Người dân sống dọc tuyến Quốc lộ 19 đoạn qua xã Tây Giang, Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đang sống cùng nguy cơ mất an toàn giao thông khi Dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” được triển khai bởi lẽ một số đoạn đường đã được nâng cấp cao hơn nhà dân từ 1,2 mét, che lấp lối đi vào , khiến nhiều nhà dân như bị “giam lỏng”.

Dọc tuyến Quốc lộ 19 tại xã Tây Thuận, đơn vị thi công đã vội xây dựng hệ thống mương thoát nước với chiều cao hơn 1m, rộng 0,4m (cao hơn nền đường Quốc lộ 19 cũ và nền nhà dân), như "bức tường thành" khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

 

Để vượt qua, bà con phải bỏ tiền thuê xe chở đất đắp gò cao. Tuy nhiên, do quá chênh lệch nên tại khu vực này đã liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông mà đa phần là tự ngã do mất lái. Chị Đoàn Thị Thanh Liên bức xúc, từ khi nâng đường lên, người dân đi lại rất bất tiện, ngoài việc bị ngã, khu vực này còn gây đọng nước giữa 2 lối đi nên không có chỗ để xe.

Với giới trẻ thì việc vượt qua những con mương này còn dễ chứ những người trên 70 tuổi thì quá vất vả. Bà  Phan Thị Sơn cho biết, mỗi lần đi ra khỏi nhà, bà phải nhờ người quen, hàng xóm dắt hoặc chạy xe ”vượt tường”. Việc nâng nền đường quá cao khiến người dân ngã rất nhiều. Nhiều người đi từ hướng Gia Lai xuống cũng bị ngã do va phải thành mương.

Ngoài việc tiềm ẩn mất an toàn giao thông, khó khăn trong việc đi lại, việc nâng cấp nền đường cũng khiến một số nhà dân nằm dưới sâu, mỗi khi có mưa lớn là ngập nặng. Nhà bà Nguyễn Thị Giang là một ví dụ. Nhà của bà hiện thấp hơn nền đường khoảng 2m. Nếu tiếp tục xây cầu Ba La, nhà bà sẽ bị ”nhấn chìm” khi nền đường Quốc lộ 19 sẽ cao thêm 2m nữa.

Theo báo cáo của UBND huyện Tây Sơn, hiện tuyến Quốc lộ 19 đoạn Km50+00-Km67+00, đi qua địa phận xã Tây Giang thuộc Dự án "Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên" được Bộ Giao thông và Vận tải phê duyệt, Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, đang được triển khai thi công.

Tuy nhiên, đoạn tuyến từ Km50+200-Km51+500 (từ cầu Bầu Sen đến cầu Ba La), đặc biệt là phạm vi cầu Ba La (từ Km50+961,9-Km51+338,7) có cao trình thiết kế mặt cầu và đường đầu cầu cao hơn nhà dân khoảng từ 1,22-4,1m ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của 36 hộ dân.

"Cầu Ba La được xây dựng mới thay thế cầu hiện trạng với cao trình thiết kế mặt cầu tại một số điểm cao hơn nền hiện hữu của nhà dân, có nơi cao hơn tới 4,1m nên gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây. Hơn nữa, tại khu vực này có nhiều nhà dân nên không những gây khó cho nhà ở mặt đường mà các nhà ở phía sau cũng gặp khó”, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng thông tin thêm.

Ông Phan Chí Hùng mong muốn Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, khảo sát lại một lần nữa để có phương án tối ưu, khi tuyến đường hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng ảnh hưởng ít nhất đến đời sống người dân.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng đã ký văn bản số 324/UBND-KT kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải để xử lý cao độ nền đường của Quốc lộ 19; chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương có giải pháp xử lý phù hợp để đảm bảo đời sống, sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực dự án.

Dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” có tổng chiều dài khoảng 143km đi qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục