Người dân vùng biên giới tận dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ thoát nghèo

20:00' - 14/12/2023
BNEWS Người dân huyện biên giới thuộc Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) đã tận dụng hiệu quả cơ hội từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2022, huyện Bù Đốp đã giảm được 316 hộ nghèo, vượt 6% kế hoạch; trong đó, có 60 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

 
Trước đó, năm 2021, huyện cũng giảm được 227 hộ nghèo. Để thực hiện chương trình giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, huyện đã huy động tất cả các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân thoát nghèo.

Địa phương tập trung nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp cùng sự vào của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực từ các hộ được thụ hưởng, công tác giảm nghèo trên địa bàn thời gian qua luôn đạt kết quả tích cực. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương còn 2,53%. Năm 2023, huyện tiếp tục phấn đấu giảm thêm 272 hộ nghèo.

Từ các nguồn lực, huyện Bù Đốp chú trọng xóa đói giảm nghèo và chống tái nghèo trở lại. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương đã tận dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ giúp các hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững không tái nghèo trở lại.

Địa phương cũng luôn quan tâm nắm bắt tình hình thực tế về hoàn cảnh của từng gia đình nghèo; từ đó sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp để họ có đủ điều kiện phát triển sản xuất.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với ngân hàng rà soát cho vay vốn đúng đối tượng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh luôn gắn hoạt động tín dụng với thực hiện các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương và mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Bình Phước.

Các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt công tác nhận ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động phối hợp với ngân hàng hướng dẫn cụ thể những thủ tục vay vốn, tạo thuận lợi cho bà con tiếp cận nguồn vốn. Các ban, ngành cũng thành lập các tổ tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ các hộ dân về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cụ thể. Định kỳ, các địa phương tổ chức rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình, mô hình hay, cách làm hiệu quả, đồng thời khắc phục những hạn chế.

Tín dụng chính sách đã đáp ứng cơ bản nhu cầu các đối tượng được hỗ trợ; các chương trình cho vay vốn không ngừng được mở rộng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Phước phấn đấu giảm 2.000-2.500 hộ nghèo/năm. Vì vậy, Ngân hàng Chính sách Xã  cần chủ động tạo lập nguồn vốn ổn định, lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi, góp phần thiết thực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục