Người dân vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét chờ dự án-Bài 1: Người đi gặp khó, người ở thêm lo

09:19' - 30/07/2019
BNEWS Do thời tiết diễn biến phức tạp, các tỉnh vùng núi phía Bắc xảy ra liên tiếp các vụ sạt lở, lũ quét, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
 Khu tái định cư ở bản Van Hồ, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai), sau gần 3 năm tái định cư chạy lũ của 19 hộ dân, nhưng xa đất sản xuất nên gặp khó khăn trong việc làm mùa và thu hái. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Nhà nước, các cấp chính quyền đã cố gắng để di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, vùng núi phía Bắc vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân đang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, cần được di dời khẩn cấp. Do ngân sách hạn hẹp, các địa phương chờ nguồn hỗ trợ của Trung ương để thực hiện nhiệm vụ này. Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết phản ánh về tình trạng trên.

Bài 1: Người đi gặp khó, người ở thêm lo

Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, nhiều hộ trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét được tái định cư đến nơi an toàn. Tuy nhiên, tại một số điểm, người dân vẫn chưa được giao đất sản xuất, không có nước sinh hoạt, điện thắp sáng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Những hộ chưa được di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, mỗi khi bước vào mùa mưa mới lại thêm phần lo lắng.

Nhọc nhằn sinh kế ở vùng đất mới

Năm 2014, để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng nguy hiểm do sạt lở đất, 30 hộ đồng bào dân tộc Dao thuộc thôn Phia Chang, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã được dời về nơi tái định cư tại thôn Nà Mu. Sau 5 năm về nơi ở mới, các hộ này vẫn chưa được cấp đất sản xuất, trong khi nhân khẩu ngày một tăng, khiến đời sống gặp nhiều khó khăn.

Khu tái định cư Thuôm Kiệu, xã Sơn Phú, huyện Na Hang có những ngôi nhà gỗ được dựng san sát, cũ kỹ. Trong căn nhà không có vật dụng gì đáng giá, chị Đặng Thị Xuân đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình với một nồi cơm, mấy ngọn rau hái ngoài vườn và vài con nhái bắt được khi đi chăn bò.

Chị Xuân chia sẻ: “Năm 2015, gia đình tôi chuyển đến khu tái định cư với hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhưng do không có đất sản xuất, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Hàng ngày, tôi phải vào rừng kiếm măng, kiếm cây thuốc bán được khoảng 50 nghìn đồng để mua gạo, không đủ để lo cho gia đình. Tôi mong muốn chính quyền cấp đất sản xuất…”.

Ông Phùng Xuân Học, Trưởng thôn Nà Mu, xã Sơn Phú, huyện Na Hang cho biết, khi bà con mới di dời từ thôn Phia Chang xuống, thôn Nà Mu có ít hộ nghèo. Hiện nay, do không có đất sản xuất, thôn có tới 27/30 hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Vì quá khó khăn, một số hộ đã bỏ khu tái định cư, ra ven lòng hồ dựng lán nuôi trồng thủy sản để kiếm sống. Qua những buổi tiếp xúc cử tri, đại diện thôn đã nhiều lần phản ánh ý kiến của người dân, mong chính quyền sớm cấp đất sản xuất để họ có cuộc sống ổn định tại đây.

Đến ngày 8/7/2019, UBND xã Sơn Phú (huyện Na Hang) mới tiến hành cấp đất cho người dân. Theo đó, mỗi hộ được cấp 400 m2 nhưng chỉ có 14 hộ nhận, còn 16 hộ không đồng ý với lý do là chính quyền cấp đất nương, trong khi đó theo quy định họ phải được cấp đất ruộng.

Ảnh hưởng sạt đất năm 2018, nhiều hộ dân ở xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) được tái định cư, nhưng sau 1 năm về nơi ở mới vẫn chưa có điện thắp sáng và nước phục vụ sinh hoạt. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Đã gần 3 năm tái định cư tại bản Van Hồ, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai), người dân nơi đây vẫn bị ám ảnh bởi cơn lũ quét xảy ra vào tháng 8/2016. Cơn lũ đã cuốn phăng nhà ở, tài sản, ruộng vườn của 19 hộ người Dao ở thôn Sùng Hoảng 2, làm 3 người chết. Về nơi ở mới, cuộc sống dần ổn định, song do ở xa đất sản xuất, 19 hộ dân này rất khó khăn trong việc đi lại làm mùa và thu hái.

Anh Chảo Quẩy Vẩng, người dân khu tái định cư Van Hồ, xã Phìn Ngan cho biết, ở xa nơi canh tác, đời sống sinh hoạt và nguồn thu nhập của người dân ở đây bị ảnh hưởng không nhỏ. Mùa vụ thu hoạch, người dân phải ở tại lán để trông coi.

Ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch xã Phìn Ngan cho hay, chính quyền địa phương đang có chủ trương hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân theo hướng dần thoát ly khỏi nơi canh tác cũ.

Xã biên giới Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lớn gây sạt lở đất đá đầu tháng 8/2018, làm 10 người chết và mất tích, 5 ngôi nhà sập hoàn toàn… Chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời 8 hộ dân đồng bào Dao ở xã này đến điểm tái định cư tại bản trung tâm xã Sì Choang. Người dân yên tâm vì được chuyển đến nơi an toàn nhưng cuộc sống chưa ổn định vì nơi ở mới không có điện và nước sinh hoạt.

 30 hộ ở khu tái định cư Thuôm Kiệu, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) chưa được cấp đất sản xuất nên có tới 27 hộ nghèo, cận nghèo. Ảnh:Quang Cường - TTXVN

Chị Lý Lở Mẩy ở điểm tái định cư Sì Choang, xã Vàng Ma Chải cho biết, tái định cư về chỗ mới an tâm không còn sợ mưa, sạt lở sập nhà. Làm ruộng, nương, gia đình cũng đủ ăn nhưng lại phát sinh nhiều chi phí khác. Người dân mong Nhà nước sớm đầu tư kéo điện về bản, làm công trình cấp nước để bà con đỡ khó khăn, vất vả.

“ Chính quyền cấp trên cần quan tâm xây bể nước và kéo đường điện về điểm tái định cư Sì Choang để người dân đỡ phần khó khăn, sớm ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải Lý Phủ Hành kiến nghị.

*Trắng tay sau cơn lũ

Tại bản Nà Hừ, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu), ngày 24/6/2019, lũ về bất ngờ đã cuốn trôi 5 ngôi nhà và tài sản của người dân. May mắn, bà con chạy kịp nên không có thiệt hại về người. Dòng suối Nậm Bum đục ngầu, chảy xiết, người dân lam lũ đi nhặt nhạnh những vật dụng còn vương lại.

Đang cùng với con cháu đào bới đất để tìm tài sản, ông Lù Văn Vé, 56 tuổi ở bản Nà Hừ 2, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu)  cho biết: Gia đình đã nhận 20 triệu đồng hỗ trợ di dời của Nhà nước nhưng vẫn đang chờ chính quyền cấp đất mới chuyển. Nhà cửa và tài sản bị lũ cuốn trôi hết. Cả gia đình có 7 khẩu phải đi ở nhờ trong bản nên rất khó khăn.

Bản Nà Hừ có 230 hộ nằm sát với bờ suối Nậm Bum, nguy cơ sạt lở và lũ quét rất cao. Năm 2018, mưa lớn kéo dài và lũ về, địa phương phải di dời 10 hộ, trong năm 2019 di dời 9 hộ còn lại. Các hộ đi trước không được bố trí đất ở, phải ở nhờ hoặc mượn đất bà con làm nhà tạm. Do vậy, các hộ còn lại mặc dù nhận tiền hỗ trợ nhưng không chịu đi. Người dân cố gắng khắc phục bằng cách dịch nhà sâu vào mấy mét và rọ đá sau nhà sát mép suối. Nhưng lũ lại về, cuốn trôi tất cả. Bây giờ, các hộ phải đi ở nhờ nhà người thân trong bản phía trên cao.

5 năm tái định cư, hộ chị Đặng Thị Xuân ở khu tái định cư Thuôm Kiệu, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) chưa được cấp đất sản xuất nên gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) Mai Văn Thạch cho biết: “ Bản Nà Hừ quá đông dân, do vậy không còn quỹ đất để cấp cho các hộ trong nguy cơ sạt lở, lũ quét phải di dời. Theo kế hoạch, khi cầu bê tông bắc sang khu đất sản xuất được thi công xong, địa phương sẽ bố trí kinh phí làm mặt bằng để chuyển các hộ dân ở Nà Hừ sang. Địa bàn huyện còn khoảng 150 hộ cần di dời khẩn cấp nhưng do khó khăn về mặt bằng và nguồn kinh phí nên chưa thể thực hiện”.

Có mặt tại điểm xảy ra lũ quét ở huyện Mường Tè ngày 24/6/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải yêu cầu chính quyền cơ sở rà soát những hộ trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét cao, tiến hành di chuyển khẩn cấp bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân; không được chờ có dự án di dân tập trung với kinh phí 10-20 tỷ đồng mới thực hiện./.

Bài 2: Người dân thấp thỏm chờ di dời khỏi vùng nguy hiểm (TTXVN 31/7)

>>> Hà Giang: Sạt lở đất ở Hoàng Su Phì, Xín Mần làm 5 người thương vong

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục