Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu giải ngân đầu tư công chậm

20:57' - 31/05/2024
BNEWS Ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, đến ngày 25/5, tổng vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân trên 787 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán.

Ngày 31/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã đánh giá tình hình triển khai đầu tư công năm 2024 cấp tỉnh, huyện, xã; khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.

Theo ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, đến ngày 25/5, tổng vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân trên 787 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán, bằng 12,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng nêu rõ, quá trình triển khai các dự án đầu tư còn một số khó khăn, vướng mắc như việc lựa chọn nhà thầu của một số dự án còn chậm do phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số điều và biện pháp thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Danh mục vật liệu xây dựng công bố định kỳ còn hạn chế, dẫn đến chủ đầu tư không đủ cơ sở để so sánh, lựa chọn về giá để xác định tổng mức đầu tư, dự toán. Cùng đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu, còn kéo dài, chủ yếu là do các hộ dân chưa thống nhất phương án bồi thường; xác định nguồn gốc đất còn gặp khó khăn.

Việc đo đạc chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ phục vụ thu hồi đất giải phóng mặt bằng gặp khó khăn trong lập phê duyệt dự toán và thanh quyết toán kinh phí đo đạc chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ phục vụ thu hồi đất giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, việc triển khai của một số dự án đầu tư công chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng không còn phù hợp, phải tiến hành lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch.

Đối với các đồ án được lập theo quy trình rút gọn theo Nghị định 35/2023/NĐ-CP và các đồ án quy hoạch hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các khu vực nông thôn chưa có hướng dẫn cụ thể về chi phí lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Đến ngày 20/5/2024, Bộ Xây dựng mới có Thông tư 02/2024/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn. Cùng đó, việc chậm giải ngân đầu tư công còn vướng do các quy định của pháp luật.

Trước những khó khăn trên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đề nghị các sở, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình hiện trạng thực tế, khẩn trương rà soát, đánh giá tính cần thiết, cấp bách và chia thành 3 nhóm, dự kiến kinh phí và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất bổ sung các dự án đầu tư công giai đoạn 2024-2025, giai đoạn 2026-2030, sau năm 2030 và đến ngày 10/6/2024 phải xong danh mục các dự án này.

“Việc phân kỳ đầu tư các dự án không chỉ là thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn 2020 - 2025 mà còn chuẩn bị cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của Hải Dương trong những năm tiếp theo”, ông Lưu Văn Bản chỉ rõ.

Hiện nay, nguồn thu phục vụ cho đầu tư công của Hải Dương vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ tiền sử dụng đất, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản khẳng định sẽ kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp, tập trung giải phóng mặt bằng các dự án đã lựa chọn nhà đầu tư để căn cứ thu tiền sử dụng đất. Đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu tổ chức đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đã có quy hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu nhà ở.

Đối với việc giải phóng mặt bằng cho các dự án, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành chức năng phối hợp, hướng dẫn chính quyền các địa phương về giải phóng mặt bằng và yêu cầu các địa phương trong tỉnh phải vào cuộc tích cực hơn nữa; làm đúng theo các trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.

Ông Lưu Văn Bản cũng giao Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan chủ động rà soát quy hoạch; công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời hàng tháng; khẩn trương thẩm định các thiết kế; bố trí cán bộ, điều kiện làm việc để đáp ứng yêu cầu của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương, khẩn trương rà soát và trình HĐND phê duyệt, bố trí vốn để các địa phương kịp thời triển khai các dự án. “Không để các địa phương có dự án đủ điều kiện mà không có vốn để triển khai”, Phó Chủ tịch Lưu Văn Bản nhấn mạnh.

Trong việc triển khai các dự án, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng tỉnh và các chủ đầu tư phải lựa chọn tư vấn có kinh nghiệm, nhà thầu có năng lực để xây dựng các công trình, dự án có chất lượng cao nhất.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng giao giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung quản lý, tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí ở các dự án đầu tư công.

Trong giai đoạn 2026-2030, ông Lưu Văn Bản đề nghị các sở, ngành, địa phương cần đưa việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải của các khu đô thị, khu dân cư vào danh mục đầu tư công.

Đối với thành phố Hải Dương là đô thị trung tâm, đô thị loại 1, hiện đang gặp nhiều khó khăn về giao thông ở nhiều tuyến phố nội thị, xử lý nước thải sinh hoạt, ông Lưu Văn Bản đề nghị lãnh đạo thành phố phối hợp với Sở Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất đưa vào đầu tư công để triển khai xây dựng cầu vượt, đường hầm, mở rộng một số tuyến đường như đường 52m, đường Hoàng Hoa Thám, Tuệ Tĩnh, Hồng Quang, Thống Nhất ….; hệ thống xử lý nước thải sau khi triển khai xây dựng dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực thành phố Hải Dương.

Ông Lưu Văn Bản cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng tỉnh phối hợp với các sở, ngành tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, chuyên viên các Ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng các huyện, thị xã, thành phố. Các đơn vị như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện lực Hải Dương, Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tích cực phối hợp, hỗ trợ để triển khai các dự án đầu tư công của tỉnh.

Năm 2024, tổng vốn đầu tư công của Hải Dương là trên 7.926 tỷ đồng; bao gồm vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là trên 4.578 tỷ đồng, vốn cấp huyện, xã là trên 3.311 tỷ đồng; vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư là trên 73 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục