Người lao động nên hưởng BHXH một lần trong trường hợp nào?

11:40' - 27/04/2020
BNEWS Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến cáo người lao động chỉ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp bất khả kháng, không cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành công văn yêu cầu các cấp công đoàn tiếp tục thực hiện các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động, khuyến cáo người lao động chỉ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong trường hợp bất khả kháng.

Các cấp công đoàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương, bộ, ngành. 

Cán bộ công đoàn, đoàn viên thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, đồng nghiệp thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình, cộng đồng, nơi làm việc, trên đường đến công sở, nhà máy; thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, khi có ho, sốt liên hệ ngay với nhân viên y tế, cơ sở y tế và thực hiện nghiêm việc cách ly ...

Cán bộ công đoàn cần nắm chắc và phản ánh kịp thời tình hình tư tưởng, đời sống, việc làm, khó khăn của đoàn viên, người lao động; làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động; định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn chú trọng thông tin, truyền thông rộng rãi tới người lao động: tính ưu việt, lợi ích lâu dài khi tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, khuyến cáo người lao động chỉ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp bất khả kháng, không thực hiện mua bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội; các quy định về tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động lựa chọn phương án phù hợp, đảm bảo quyền lợi lâu dài, hạn chế tình trạng viết đơn thôi việc do bị tác động; về phương thức, thủ đoạn và tác hại của "tín dụng đen", từ đó cảnh giác, không sa vào “tín dụng đen” dưới mọi hình thức.

Các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường truyền thông, giới thiệu, phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời nắm bắt tình hình, tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động, không để ngừng việc tập thể trái pháp luật xảy ra liên quan hoặc không liên quan đến quan hệ lao động; tổng hợp, phản ánh khó khăn, mong muốn, kiến nghị của người lao động, tổ chức công đoàn tới các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó, nên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, thông tin, phản ánh, kiến nghị tới Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương để chuyển tải tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, khai mạc tháng 5/2020.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn tích cực thực hiện các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; chủ động hoặc phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe, thể trạng của người lao động thông qua các hình thức như: cải thiện chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ thêm các bữa ăn phụ, các loại thực phẩm, đồ uống bổ sung khoáng chất, vitamin…; bố trí giãn cách thời gian ăn ca, vị trí ngồi, làm vách ngăn tại khu vực ăn ca đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, tìm kiếm nguồn tài trợ, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân, đơn vị đóng góp vật chất để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn thông qua các mô hình như tặng bữa ăn miễn phí, ATM gạo, tổ chức các điểm phát, bán hàng ưu đãi về giá hoặc giá 0 đồng, vận động chủ nhà trọ miễn hoặc giảm tiền trọ cho người lao động…; làm việc với các đối tác ký kết chương trình phúc lợi của tổ chức Công đoàn tăng cường, bổ sung các gói ưu đãi, giảm giá, khuyến mại sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên công đoàn, nhất là các gói hỗ trợ tín dụng, cho vay không cần thế chấp…

Tổ chức công đoàn tiếp tục kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố: có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ hoặc đối tượng chưa được xác định trong gói hỗ trợ của Chính phủ; chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền cấp dưới tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật đối với người lao động, đặc biệt là quy định về tạm hoãn, chấm đứt hợp đồng lao động; yêu cầu các doanh nghiệp quan tâm đến quyền lợi của người lao động, thực hiện đúng quy định pháp luật khi phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các cấp công đoàn bố trí nguồn chi các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn của công đoàn cơ sở; thực hiện tiết kiệm chi quản lý hành chính, hạn chế tối đa các hoạt động hội nghị, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, hội thi… để dành nguồn kinh phí chăm lo, hỗ trợ, giúp nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho người lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục