Người lưu giữ bộ sưu tập cổ vật kỷ lục Việt Nam

13:50' - 14/02/2024
BNEWS Với hơn 5.000 hiện vật cổ xưa, đa chủng loại và chất liệu, nhà sưu tầm Trần Thái Bình, phường Vinh Tân, thành phố Vinh là nhà sưu tầm có bộ sưu tập tượng cổ và bộ sưu tập đồ đồng nhiều nhất Việt Nam.

Với hơn 5.000 hiện vật cổ xưa, đa chủng loại và chất liệu, nhà sưu tầm Trần Thái Bình, phường Vinh Tân, thành phố Vinh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập, tôn vinh là nhà sưu tầm có bộ sưu tập tượng cổ và bộ sưu tập đồ đồng nhiều nhất Việt Nam. Đây là sự ghi nhận xứng đáng sau hành trình hơn 30 năm sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam.

 

* Bộ sưu tập đồ sộ

Trong giới chơi cổ vật khắp cả nước, nói đến “Bình cổ vật”, nhiều người biết mặt, biết tên ông. Người ta biết đến ông Trần Thái Bình không chỉ bởi danh tiếng của một nhà sưu tầm mà còn nể phục bởi tâm hồn phóng khoáng, sẵn sàng cho đi hoặc hiến tặng cổ vật quý.

Nhà sưu tầm Trần Thái Bình (sinh năm 1973) đến với công việc sưu tầm hiện vật bằng sự yêu thích, hoàn toàn ngẫu nhiên. Gần 30 năm gắn bó, dù không được học nhiều về lĩnh vực này nhưng không ít người cùng niềm đam mê rất nể phục, xem ông là “giám định viên”, bởi vốn hiểu biết phong phú, khả năng thẩm định chính xác.

Mặc dù đã bước sang tuổi 80, bác Trương Tuấn Nga (phường Quang Trung, thành phố Vinh), thường đến chơi cùng nhà sưu tầm Trần Thái Bình do có chung niềm đam mê sưu tầm đồ cổ.

“Chúng tôi luôn chia sẻ, học hỏi lẫn nhau trong đời sống cũng như niềm yêu thích của mình. Đã lâu rồi ở Nghệ An mới có một bộ sưu tập đồ sộ và đáng quý như thế này. Nói về cổ vật là chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử từng thời kỳ của dân tộc, cần bảo tồn và phát triển nó. Nhà sưu tầm Trần Thái Bình là một người có “tâm”, lựa chọn sưu tầm cổ vật để góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc”, bác Trương Tuấn Nga cho biết.

Ông Trần Thái Bình chia sẻ, ai đến với nghiệp sưu tầm đồ cổ từng gặp thất bại hoặc ít nhất một lần mua phải hàng giả, hàng nhái. Ông không ít lần gặp phải tình huống này. Nhờ niềm đam mê với hiện vật, ông tự tìm hiểu các lĩnh vực về văn hóa, khoa học, lịch sử; quan trọng hơn, ông học được nhiều từ các chuyến đi trải nghiệm thực tế.

Trong "gia tài" của ông Trần Thái Bình, một trong những bộ cổ vật quý giá nhất là bộ 120 pho tượng cổ bằng các chất liệu vàng, ngọc, đồng, đá sa thạch, gỗ, gốm, có niên đại từ 100 - 1.000 năm. Danh sách này có nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như: tượng Quan âm chất liệu đá ngọc phủ hoàng kim niên đại 500 năm, tượng phật A Di Đà sơn son, thiếp vàng niên đại 200 năm, tượng thần Shiva bằng đá sa thạch nặng 80kg, niên đại thế kỷ XI.

Bên cạnh đó còn là bộ sưu tập chuông, chiêng cổ với 151 hiện vật chất liệu đồng xuất xứ tại Việt Nam, Chăm Pa, Lào có niên đại từ 100 năm đến 300 năm, trong đó, có nhiều chuông quý hiếm như chuông cổ Chăm Pa nặng 70kg.

Nhà sưu tầm Trần Thái Bình còn có nhiều cổ vật quý như: bộ sưu tập bát, nồi đồng cổ xuất xứ Hán, Việt, niên đại 100 đến 2.500 năm; bộ sưu tập trang sức, binh khí bằng đồng với số lượng 519 hiện vật (vòng tay, bao tay, bao chân, khuyên tai, gương đồng, trâm cài đầu, trống đồng, dao găm, rìu đồng); bộ sưu tập hiện vật thời kỳ đồ đá, bộ sưu tập gốm sứ với 2.800 hiện vật niên đại từ 2.000 đến 100 năm.

Nói về bộ sưu tập của mình, ông Trần Thái Bình cho biết, nhiều người hỏi ông giá trị bộ sưu tập và chính ông không thể định giá được. Với ông, đó là những cổ vật “vô giá” vì nó gắn bó với ông trong hành trình của nửa đời người. Có những cổ vật ông phải bán đi nhiều tài sản của gia đình mới mua được, nhưng cũng có những cổ vật đến với ông bằng cái duyên.

* Gìn giữ giá trị di sản

Buổi lễ trao tặng xác lập tôn vinh kỷ lục cho nhà sưu tầm Trần Thái Bình vừa được Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 1/2024, đúng dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội.

Trong nội dung tôn vinh giá trị kỷ lục Việt Nam, ngoài ghi nhận hành trình 30 năm sưu tầm, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam còn đánh giá cao sự đóng góp rất lớn của ông trong việc “tham gia trưng bày các chuyên đề và hiến tặng nhiều hiện vật cho địa phương; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam”.

Ông Trần Thái Bình là nhà sưu tầm cổ vật tự do, thành viên Chi hội Cổ vật Sông Lam (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam). Trước khi được vinh danh Kỷ lục Việt Nam, Bộ sưu tập của ông được Bảo tàng Nghệ An khảo sát thực tế và xác nhận có hơn 5.000 hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập có giá trị về lịch sử, khoa học và thẩm mỹ.

Đến với nghề sưu tầm đồ cổ và có hàng nghìn hiện vật có giá trị, ông Bình cho biết “để kinh doanh” không khó. Với người sưu tầm đặt cái “tâm” lên đầu, việc bán đi một cổ vật mình dày công sưu tầm giống như “cắt đi khúc ruột” của mình. Đó là lý do vì sao ông tham gia để xác nhận Kỷ lục Việt Nam, bởi đây là một “kênh” ghi nhận giá trị của bộ sưu tập, qua đó ông có thể quảng bá, giới thiệu bộ sưu tập của mình đến với người cùng đam mê và lan tỏa gia trị di sản văn hóa.

Ông Bình sưu tầm đa dạng các món đồ, từ gốm, gỗ, kim khí đến đá, cồng chiêng… Theo ông, mỗi cổ vật, loại hình, đều có tiếng nói riêng, vị trí riêng phản ánh về một thời kỳ văn hóa của lịch sử, cuộc sống, thói quen sinh hoạt của giai đoạn lịch sử đó. Người chơi cổ vật cần tìm ra được thông điệp ấy, minh chứng được cho một thời kỳ đã qua của đất nước. Với những nhận định, tâm huyết đó, ông muốn đi nhiều nơi hơn nữa để làm người kết nối giữa hiện tại với quá khứ và tương lai, thông qua cổ vật lịch sử.

Với vai trò là thành viên Chi hội Cổ vật Sông Lam, nhà sưu tầm Trần Thái Bình và những người cùng chung niềm đam mê trong Chi hội có nhiều hoạt động ý nghĩa để lan tỏa các giá trị văn hóa như tham gia trưng bày, hiến tặng một số cổ vật cho Bảo tàng Nghệ An, cho một số di tích trên địa bàn. Ông từng nhiều lần được Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Nghệ An tặng Bằng khen, Giấy khen.

Với việc được xác nhận là Kỷ lục Việt Nam ông Bình cho rằng phải có trách nhiệm hơn với việc được phong tặng này. Nghệ An nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung là “cái nôi cổ vật” của cả nước. Vì thế, ông mong rằng, bằng những hiện vật mình đã sưu tầm, nhiều người sẽ biết đến với cái nôi văn hóa của xứ Nghệ và cùng chung tay góp phần để bảo tồn, phát huy và giữ gìn.

Anh Hồ Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết, nhiều cổ vật của Nghệ An bị “chảy máu” và lưu lạc ra ngoài. Vì thế, một người đam mê, yêu và có trách nhiệm với cổ vật như nhà sưu tập Trần Thái Bình là rất quý và đáng trân trọng. Đơn vị tin tưởng rằng, với những việc làm thầm lặng, khát khao được lưu giữ và bảo tồn của các nhà sưu tầm, những cổ vật quý sẽ được gìn giữ và phát huy, góp phần bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông để lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục