Tổ chức thông tin về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

12:40' - 18/04/2025
BNEWS Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị không chỉ kết nối giao thông hiện đại trong đô thị, mà còn là kết nối những ước mơ, khát vọng của người dân thành phố về một cuộc sống tiện nghi và hiện đại.

Sáng 18/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (MAUR) và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) tổ chức Hội nghị quốc tế thông tin về công tác tư vấn thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội.

Hội nghị có khoảng 800 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến đến từ hơn 10 quốc gia, là các nhà tư vấn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngày 19/2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đây là thời điểm lịch sử để thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết vấn đề giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả 2 thành phố.

 

Theo ông Phan Công Bằng,phát triển mạng lưới đường sắt đô thị không chỉ kết nối giao thông hiện đại trong đô thị, mà còn là kết nối những ước mơ, khát vọng của người dân thành phố về một cuộc sống tiện nghi và hiện đại, là mở rộng không gian đô thị. Hành trình phía trước còn rất dài, mục tiêu là rất lớn và đầy thử thách nhưng cũng mang lại rất nhiều cơ hội.

Thông qua hội nghị, MAUR và MRB cung cấp thông tin rộng rãi, trao đổi định hướng chung công việc và lắng nghe ý kiến đóng góp, kinh nghiệm từ các nhà tư vấn, đầu tư về các khía cạnh quan trọng, cấp bách trước mắt như: thiết kế FEED; mô hình thực hiện dự án; chiến lược đấu thầu; lựa chọn hình thức hợp đồng (EPC, Design & Build); chiến lược quản lý rủi ro…

Ông Vũ Văn Vịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 của MAUR cũng thông tin cập nhật về tình hình và kế hoạch triển khai dự kiến tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) trong bối cảnh thành phố đã quyết định chuyển từ nguồn vốn vay ODA sang sử dụng vốn ngân sách trong nước.

Dự án metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng mức đầu tư là 47.890 tỷ đồng. Chiều dài tuyến hơn 11 km (đoạn ngầm khoảng 9,1 km), dự án có 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot. Thành phố đặt mục tiêu khởi công dự án cuối năm 2025 và hoàn thành năm 2030. Trước mắt, MAUR tập trung tuyển chọn Tư vấn lập “Điều chỉnh dự án – thiết kế FEED và đấu thầu” và Tư vấn thẩm tra “Điều chỉnh dự án – Thiết kế FEED”.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km.

Trong khi đó, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 510 km.

Trong đó, nhu cầu vốn cho giai đoạn 2026-2030 của thành phố Hà Nội khoảng 15,80 tỷ USD để thi công 7 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 116,84 km. TP. Hồ Chí Minh dự kiến đến năm 2035 hoàn thành 7 tuyến đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục