Người nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh "điêu đứng" vì bão

20:22' - 13/09/2024
BNEWS Bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ, tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề. Trong số đó người nuôi trồng thủy sản gần như trắng tay. Bao nhiêu tài sản tích lũy đã bị cơn bão cuốn phăng.

Mặc dù chưa có con số chính xác về thiệt hại của người dân, doanh nghiệp ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhưng theo thống kê ban đầu thì nhiều nghìn tỷ đồng của ngư dân Quảng Ninh đã "bay" theo bão Yagi.

 

Tài sản "bay" theo bão

Sau gần 1 tuần bão số 3 đổ bộ, trên các khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân, doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh chỉ còn lại là những đống phao nhựa nuôi hàu quấn rối hỗn độn vào nhau, những mảng gỗ trôi nổi, những bè cá bị bão đánh xơ xác kèm những ánh mắt thất thần, nặng trĩu của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hoàn (55 tuổi) người dân phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên nuôi 35 ô cá song, cá giò tại khu vực biển Cạp Vọ, thuộc phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả. Sau bão Yagi cả bè cá chỉ vớt vát lại được một ô, những con cá song còn sót lại cũng thương tích đầy mình.

Bà Hoàn cho biết mẹ con bà đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, cứ nghĩ hơn 10 tấn cá to chuẩn bị được thu hoạch sẽ mang lại được nguồn thu để trả ngân hàng, thế nhưng giờ tất cả đã bị bão cuốn phăng, gia đình còn lại hơn 2 tỷ đồng tiền nợ ngân hàng. Đáng nói giờ bà Hoàn không biết bám víu vào đâu để thế chấp vay vốn tái sản xuất, bởi sổ đỏ đã thế chấp ngân hàng. Bà mong được nhà nước xem xét có chính sách hỗ trợ phần nào để làm lại, chứ nếu bỏ bè mảng lên bờ làm thuê cũng không biết đến khi nào mới trả hết nợ.

Đi dọc tuyến biển từ thành phố Cẩm Phả ra huyện Vân Đồn,đã không còn thấy những bãi phao nổi thẳng tắp của ngư dân nuôi hàu, thay vào đó là những người dân tranh thủ đi câu cá song bị bão cuốn ra khỏi lồng bè, hay đi cắt phao, buộc lại các bè cá còn sót lại sau bão.

Ông Đặng Văn Vinh (51 tuổi) ngư dân phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả cho biết, anh nuôi cá song, cá chim, cá dìa và hàu tại các khu vực biển của thành phố Cẩm Phả và xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn. Trong đợt bão vừa qua, gia đình ông thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng là số cá, hàu đã bị bão cuốn trôi, bè mảng bị vỡ, chìm, phao nhựa bị thất thoát. Hiện ông Vinh đang phải thuê lao động cắt bỏ các dây hàu, thu gom lại các phao nhựa để tới đây ổn định sẽ tái sản xuất. Tuy nhiên việc tháo, cắt, thu hồi các phao này mất nhiều thời gian, chi phí.

Người dân phải oằn mình chống chọi để gỡ gạc phần nào. Ông Vinh mong được ngân hàng xem xét giãn nợ, giảm lãi suất hoặc điều chỉnh phương thức thế chấp bằng tài sản trên biển, có như vậy ngư dân mới có điểm tựa để bám biển, có nguồn thu chi trả nợ nần.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh đến ngày 12/9, địa phương này có hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng bị thiệt hại. Mặc dù chưa có con số cụ thể, song theo ghi nhận nhà ít cũng mất vài trăm triệu, nhà nhiều thiệt hại cả trăm tỷ đồng. Công sức, dành dụm cả đời người chỉ một cơn bão đã quét sạch sẽ. Nước mắt cũng đã cạn, có người đã muốn buông xuôi, bởi họ phải đối diện với mất mát, với những món nợ khổng lồ. Đau lòng hơn có gia đình còn mất cả người thân khi chống bão, giành giật lại tài sản với thiên tai.

Ngư dân cần lắm "phao cứu sinh"

Các hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đa phần có nguyện vọng được nhà nước sớm hỗ trợ, khắc phục hậu quả. Đồng thời đề xuất Trung ương có chính sách phù hợp hỗ trợ người dân, để người dân có thêm động lực tái sản xuất trong thời gian sớm nhất; các ngân hàng khoanh nợ và tạo điều kiện vay vốn mới để tái sản xuất ở mức lãi suất thấp nhất cho người dân; hoãn, giãn, giảm thu thuế đối với diện tích thuê mặt biển của các hợp tác xã.

Huyện Vân Đồn là một trong những địa phương có vùng nuôi và người nuôi trồng thủy sản lớn của Quảng Ninh. Trong đợt bão số 3, địa phương này có trên 1.340 cơ sở nuôi nhuyễn thể hàu, thưng, sần, ngao, tu hài, ốc) và  nuôi cá (song, giò, chim ) bị thiệt hại.

Theo thống kê tổng sản lượng thuỷ sản trên địa bàn đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng trên 32.110 tấn; trong đó hàu 25.637 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn. Cùng các thiệt hại về thuỷ sản mới xuống giống, đang nuôi khác. Ước thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản trên 2.280 tỷ đồng; trong đó hàu khoảng 1.353 tỷ đồng; cá 533 tỷ đồng, hải sản khác 395 tỷ đồng, cùng nhiều cơ sở vật chất nuôi trồng khác đang được rà soát thống kê.

Để cùng ngư dân "vượt bão" UBND huyện Vân Đồn đã tổ chức gặp gỡ, động viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các ngư dân cùng sự tham gia của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. Qua đây lãnh đạo huyện nắm bắt được tâm tư của ngư dân và tiếp thu, đề xuất tỉnh, đơn vị liên quan nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân.

Tại buổi gặp mặt lãnh đạo huyện Vân Đồn cam kết sẽ luôn đồng hành với các cơ sở, người dân nuôi trồng thủy sản để tháo gỡ những khó khăn trước mắt; tạo điều kiện tối đa nhất giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhành tỉnh Quảng Ninh thông tin, đến ngày 31/7/2024, dư nợ ngành nông- lâm - thủy sản đạt 5.541 tỷ đồng, chiếm 2.96% tổng dư nợ của tỉnh. Sau bão số 3 ngành lĩnh vực trên có 6.270 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ 1.463 tỷ đồng; trong đó có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Để kịp thời ổn định hoạt động ngân hàng đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 7417/NHNN-TD ngày 9/9/2024, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh đã có công văn số 785/ QUN1, ngày 10/9/20242024 để chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

Trong đó đề nghị các tổ chức tín dụng chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng thiệt hại do cơn bão số 3; xem xét miễn giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng mất khả năng chi trả.

Hiện tại các ngư dân đã tự lực để khắc phục hậu quả, nỗ lực để làm lại, tuy nhiên để thực sự vực dậy ngành kinh tế nuôi trồng thủy sản, các chính sách cần sớm được hiện thực hóa. Đó sẽ là phao cứu sinh để ngư dân bám vào khi đang "chới với".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục