Người thu nhập thấp, người nghèo có bị ảnh hưởng khi tăng thuế giá trị gia tăng?

17:02' - 30/08/2017
BNEWS Với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% đến 12%, ông Phạm Đình Thi cho rằng, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.
Ông Phạm Đình Thi cho rằng, tăng thuế giá trị gia tăng tác động không lớn tới chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Ngày 30/8, trả lời báo chí về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% đến 12%, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, tại sao Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng ?

Ông Phạm Đình Thi: Tỷ lệ thuế trên GDP của Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2010 là 23,5% GDP giảm xuống còn 21% năm 2016. Mức tỷ lệ thuế/GDP giảm chủ yếu do thu từ dầu thô giảm; nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm dần do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan mà Việt Nam đã ký kết tại các hiệp định thương mại và do việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiêp từ 32% xuống 20% để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Những thay đổi nêu trên tạo hiệu quả tốt cho nền kinh tế nói chung do đã kích thích đầu tư, tăng trưởng và tạo việc làm, nhưng cũng đã góp phần làm thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, dẫn đến tăng nợ công.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính nhận thấy, khi nợ công tăng cao, các nước có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng mở rộng nguồn thu từ thuế gián thu; tăng thuế tiêu dùng để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu sụt giảm do giảm thuế thu nhập.

Ví dụ các nước EU có mức thuế suất trung bình 19% (năm 2010) tăng lên mức 21,5% (năm 2014). Các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có mức thuế suất trung bình khoảng 18% (năm 2000) tăng lên 19% (năm 2014) và trên 19% (năm 2016).

Tương tự, các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng, như Philippines và Ấn Độ.

Xét về thuế suất thuế giá trị gia tăng của một số khu vực và một số nước, Việt Nam cũng đang nằm ở mức thấp. Thuế suất trung bình ở châu Phi là 16,4%, châu Á là 10,9%, EU là 19,8%, Trung Âu và Nga là 18,6%, châu Mỹ là 14% và mức thuế suất trung bình của toàn thế giới là 16%.

Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đặc biệt cao ở các quốc gia như Na Uy, Cộng hòa Czech, Phần Lan và Argentina (>20%). Trong số các nước châu Á, có Indonesia và Campuchia đang áp dụng thuế suất 10%, Philippines mức 12%, Sri Lanka 12,5%, Mông Cổ 13%, Bangladesh 15% và Trung Quốc 17%.

Ấn Độ vừa mới áp dụng hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) ở mức 20% hoặc cao hơn tùy vào mặt hàng. Hầu hết các nước châu Mỹ Latin có mức thuế suất giá trị gia tăng trên 15%.

Do vậy, để thực hiện tái cơ cấu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế giá trị gia tăng quốc tế, đề nghị nâng mức thuế suất từ 10% lên 12% là cần thiết.

PV: Việc Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% đã gây ra nhiều ý kiến cho rằng sẽ khiến người nghèo, người thu nhập thấp chịu nhiều gánh nặng, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phạm Đình Thi: Về lý thuyết, thuế gián thu đều có tính chất lũy thoái so với thu nhập, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc là hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.

Để giảm bớt tính lũy thoái của thuế gián thu, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam quy định một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng nhưng ở mức thuế suất ưu đãi (thấp hơn mức thuế suất phổ thông) để giảm bớt gánh nặng thuế cho người có thu nhập thấp.

Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì hiện có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế; trong đó có nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân như lương thực, thực phẩm trực tiếp sản xuất và bán ra, y tế, giáo dục... và 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức thuế suất ưu đãi 5%.

Căn cứ vào kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2014 do Tổng cục Thống kê công bố, Bộ Tài chính thấy rằng, đối với nhóm thu nhập thấp nhất thì dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục; ngược lại nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các hàng hóa, dịch vụ trên.

Các hàng hóa, dịch vụ này đều thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nên việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến chi tiêu của nhóm hàng hóa, dịch vụ này.

Như vậy, việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên mức 12% tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp, tuy nhiên, đối với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như: Chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng,... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo.

Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ như hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội 49.000 đồng/tháng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; hỗ trợ người đơn thân, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tàn tật,... mức hỗ trợ từ 180.000 - 720.000 đồng/tháng.

Chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo, học sinh sinh viên; miễn học phí cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học,...

PV: Thưa ông, việc Bộ Tài chính lấy kinh nghiệm của các nước để so sánh với Việt Nam liệu có phù hợp hay không khi mà tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trên tổng thu thuế, phí của Việt Nam là cao, thậm chí cao hơn nhiều so với một số nước châu Âu mặc dù các nước này có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng cao hơn Việt Nam?

Ông Phạm Đình Thi: Trong khu vực, thuế suất thuế giá trị gia tăng của một số nước có thể thấp hơn Việt Nam nhưng tỷ lệ thu của các sắc thuế tiêu dùng, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng trong tổng thu ngân sách nhà nước thì lại cao hơn.

Cụ thể, ở Việt Nam tỷ trọng của thuế hàng hóa và dịch vụ năm 2016 chiếm khoảng 47,5% tổng thu ngân sách nhà nước, mức tỷ lệ này thấp hơn Thái Lan (53,9%), Lào (55,9%), Campuchia (55,5%) và nhỉnh hơn Philippines (45,6%).

Đối với một số nước châu Âu, mặc dù thuế suất thuế giá trị gia tăng cao nhưng tổng số thu từ thuế giá trị gia tăng/tổng thu ngân sách có thể thấp hơn hoặc tương đương với Việt Nam như trong thời gian vừa qua báo chí có nêu.

Qua nghiên cứu, Bộ Tài chính thấy rằng, việc xác định tỷ trọng số thu thuế giá trị gia tăng trong tổng số thu ngân sách nhà nước phụ thuộc nhiều yếu tố từ cơ cấu hệ thống thuế của các nước, mức độ điều tiết của các sắc thuế khác trong hệ thống thuế đến tổng mức động viên từ thuế, phí của một nước...

Qua phân tích, tổng số thu từ thuế giá trị gia tăng/tổng thu có thể thấp hơn hoặc tương đương với Việt Nam nhưng tổng số thu từ thuế, phí của các nước này lại cao hơn. ví dụ: Đan Mạch tỷ trọng thu giá trị gia tăng/tổng thu thuế, phí là 19,24% nhưng tổng thu thuế/GDP lại chiếm 49,9%; Đức là 18,37% và 38,1%; Tây Ban Nha 18,45% và 33,6%; Anh 20,73% và 25,37%.

Trong khi đó, ở Việt Nam tuy tổng số thu thuế giá trị gia tăng/tổng thu ngân sách là 24,5% nhưng tổng số thu từ thuế, phí năm 2016 chỉ chiếm khoảng 21% GDP.

PV: Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng có tác động đến tỷ lệ lạm phát hay không, thưa ông?

Ông Phạm Đình Thi: Về vấn đề này, Ngân hàng Thế giới cũng đã có đánh giá như sau kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động của việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với lạm phát là tương đối hạn chế.

Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng hiện nay sẽ dẫn đến tăng chỉ số CPI “một lần” trong khoảng từ 0,06-0,39%. Như vậy, trừ khi Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tăng lương bất thường trùng với giai đoạn tăng thuế giá trị gia tăng thì mới phát sinh tăng lạm phát. Lạm phát của Việt Nam hiện nay dự báo trong tương lai vẫn ở mức thấp, do vậy năm 2019 là thời điểm tốt để thực hiện cải cách thuế.

Hiện Bộ Tài chính đã có đánh giá tác động đến lạm phát của đề xuất sửa đổi về thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, do giá chi phí đầu vào luôn biến động, thuế nhập khẩu cắt giảm theo cam kết, nên để thận trọng và có đánh giá khách quan Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới để có phân tích đánh chi tiết về nội dung này.

PV: Theo ông, thời điểm tăng thuế giá trị gia tăng vào năm 2019 như đề xuất của Bộ Tài chính có phù hợp hay không?

Ông Phạm Đình Thi: Chu kỳ phát triển kinh tế thế giới được mô phỏng theo hình sin. Kinh tế thế giới đang phục hồi đang trong chu kỳ phát triển và Việt Nam không nằm ngoài chu kỳ phát triển chung của thế giới.

Chỉ số lạm phát của Việt Nam đang ở mức kiểm soát bên cạnh đó giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào ( sắt thép...) đều ở mức thấp.

Việt Nam cũng như một số nước đang trong quá trình hội nhập sâu, xu hướng chung của các nước là sẽ tái cơ cấu nguồn thu và tăng dần tỷ trọng thuế gián thu khi thuế nhập khẩu bị cắt giảm mạnh.

Đối với Việt Nam, thuế nhập khẩu đã và đang giảm mạnh khi thực hiện 11 cam kết Hiệp định thương mại tự do nên cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngân sách nhà nước ở cả lĩnh vực thu và chi ngân sách. Do vậy năm 2019 theo tôi là thời điểm thích hợp để tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục