Người tiêu dùng chưa thoát "vòng xoáy" tăng giá

18:27' - 01/03/2023
BNEWS Nhiều doanh nghiệp dự báo giá các mặt hàng thiết yếu sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tình trạng lạm phát cao chưa từng có, bắt nguồn từ sự thắt chặt chuỗi cung ứng do đại dịch, các gói kích thích của chính phủ và xung đột tại Ukraine, đã "móc túi" người mua sắm trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp dự báo giá các mặt hàng thiết yếu sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Xu hướng tăng giá

Tại Anh, trong tháng tính đến ngày 22/1, người tiêu dùng đã phải trả thêm 16,7% cho thực phẩm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thực phẩm tại Mỹ tăng 10,1% trong 12 tháng kết thúc vào tháng Một.

Sau hơn một năm tăng giá liên tục, một số nhà sản xuất hàng tiêu dùng như nhà sản xuất Kraft Mac & Cheese, Kraft Heinz Co đang tạm dừng để cân nhắc nhu cầu của người tiêu dùng đối với các mặt hàng.

Giá các sản phẩm của Kraft năm 2022 đã tăng 13,2% so với năm 2021. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Numerator, các thương hiệu sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi tăng giá các sản phẩm như hàng tạp hóa và sản phẩm trẻ em.

 
Trong khi đó, các tập đoàn khác như Nestle SA, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, tiếp tục lên kế hoạch tăng giá trong tương lai để thu lợi nhuận do chi phí nhân công và nhiên liệu tăng cao. Kế hoạch này sẽ một đòn giáng vào những người tiêu dùng muốn tiết kiệm chi tiêu trong gia đình. Giá các sản phẩm của Nestle đã tăng 8,2% trong năm ngoái, trong đó, giá bánh pizza đông lạnh đã tăng khoảng 14% trong năm 2022.

Nestlé cho rằng giá của các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao hơn nữa trong năm nay, làm gia tăng thêm một loạt cảnh báo từ những "gã khổng lồ" tiêu dùng về những khó khăn sẽ đến với các hộ gia đình.

Nestlé cho hay việc tăng giá bán không đủ để bù đắp cho việc chi phí tăng. Giám đốc điều hành Nestlé Mark Schneider nói: "Giống như tất cả người tiêu dùng trên toàn thế giới, chúng tôi đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát và giờ đây chúng tôi đang cố gắng sửa chữa những thiệt hại".

Unilever, Coca-Cola, nhà sản xuất bia Heineken, Colgate, Palmolive và Procter & Gamble (PG), đều cho biết sẽ tiếp tục tăng giá các sản phẩm của họ khi phải vật lộn với chi phí hàng hóa, năng lượng và lao động tăng cao.

Chi phí nguyên liệu thô như năng lượng, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc vẫn ở mức cao, dù đã giảm so với mức đỉnh. Chi phí lao động và logistics cũng đã tăng lên. Điều đó có nghĩa là giá hàng hóa trong các cửa hàng khó có thể giảm trong thời gian tới.

Unilever đã tăng giá sản phẩm 13,3% trong ba tháng cuối năm 2022, ghi dấu quý tăng giá thứ tám liên tiếp. Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng đang nỗ lực đạt được một sự cân bằng đầy khó khăn. Trong khi chi phí ngày càng tăng đang làm giảm tỷ suất lợi nhuận, việc tăng giá quá mạnh có nguy cơ khiến người mua hàng bỏ đi.

Unilever cho biết việc tăng giá khiến doanh số bán hàng giảm 2,1% trong năm 2022. Tương tự, Nestlé báo cáo doanh số bán hàng giảm trong nửa cuối năm ngoái và một trong những nguyên nhân là do giá cả. Trong khi đó, Heineken cho biết họ dự kiến sẽ doanh số bán tại châu Âu trong năm nay sẽ giảm do giá tăng.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi

Mark Hosbein, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Magid, cho biết giá cả cùng với chất lượng luôn là yếu tố chính đối với người tiêu dùng. Dữ liệu của Magid từ các cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn đáng kể cho hàng tạp hóa, tiền thuê nhà và khí đốt, buộc họ phải cắt giảm tiền tiết kiệm và ăn uống ít hơn.

Ông Hosbein nói: "Sự nhạy cảm của người tiêu dùng đối với giá cả đang tăng lên, ngay cả trong vài tháng qua," đồng thời cho biết thêm người mua sắm đang trở nên ít phân biệt đối xử hơn với những gì họ mua và chọn bất cứ thứ gì rẻ hơn.

Tuy nhiên, các thương hiệu mà các nhà bán lẻ và người tiêu dùng coi là "cốt lõi" trong phân khúc của họ vẫn có quyền định giá cao hơn. Ví dụ, Giám đốc điều hành Coca-Cola Co, James Quincey, cho biết công ty này "có quyền" đẩy giá lên người tiêu dùng vì nước ngọt Coke và Fanta cổ điển dẫn đầu danh mục đồ uống.

Giám đốc điều hành PepsiCo Ramon Laguarta dự báo người mua sắm sẽ trở nên nhạy cảm hơn về giá cả vào cuối năm nay do lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ, thị trường chính của PepsiCo.

Khi người mua cố gắng giảm hóa đơn mua hàng tạp hóa, các nhà bán lẻ có thể là người chiến thắng. Ví dụ, Walmart tận hưởng doanh số bán các sản phẩm mang thương hiệu của họ tăng trưởng mạnh mẽ. Trước xu hướng người mua hàng tìm đến các sản phẩm có nhãn hiệu riêng, việc tăng giá mạnh đã dẫn đến một số cuộc đàm phán căng thẳng giữa các công ty sản xuất hàng tiêu dùng và đơn vị bán lẻ.

Trong suốt cuộc đàm phán vào mùa hè năm ngoái, công ty thực phẩm Kraft Heinz đã ngừng cung cấp một số sản phẩm, bao gồm sốt cà chua cho nhà bán lẻ lớn nhất nước Anh là Tesco. Vào thời điểm đó, Tesco mô tả việc tăng giá của Kraft Heinz là "không chính đáng". Sau khi các sản phẩm quay trở lại trên kệ hàng, giá trên các dòng phổ biến nhất của Heinz không thay đổi.

Chủ tịch Tesco John Allen gần đây cho biết tập đoàn bán lẻ này cũng "bất hòa với các nhà cung cấp khác" về việc tăng giá. Alexandre Bompard, Giám đốc điều hành của nhà bán lẻ tạp hóa lớn nhất Pháp Carrefour (CRERF) nhận định việc đàm phán với các nhà cung cấp là để hạn chế mức tăng giá và bảo vệ sức mua của khách hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục