Người trồng thanh long không còn mặn mà với tiêu chuẩn VietGAP

17:25' - 06/09/2016
BNEWS Nhiều nông dân ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không còn mặn mà với việc trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP do giá của loại quả này không cao hơn các loại thanh long trồng theo kiểu truyền thống.
Người trồng thanh long không còn mặn mà với tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN

Mô hình trồng thanh long theo quy trình VietGAP được Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh thực hiện thí điểm tại xã Bông Trang (năm 2009) và xã Bưng Riềng (năm 2013) của huyện Xuyên Mộc, với diện tích 2ha/xã. Kết thúc mô hình thí điểm, thấy được cái lợi của sản xuất theo quy trình VietGAP, một số hộ trồng thanh long đã tự bỏ vốn để triển khai mô hình này. Tuy nhiên, nhiều người trồng thanh long của 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng đã nhanh chóng thất vọng, bởi vì quy trình sản xuất rất khắt khe, nhưng sản phẩm bán ra chỉ bằng giá với những trái thanh long trồng theo kiểu truyền thống. 

Ông Mai Văn Tiết, hộ trồng thanh long ruột đỏ tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cho biết, ông là một trong số 5 hộ trồng thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP ngay những ngày đầu tiên của xã. Tuy nhiên, ngay sau khi mô hình thí điểm kết thúc, 5 hộ trồng theo quy trình VietGAP đều bỏ dở dang. Do giá bán thanh long VietGAP không cao, nên bà con không gửi mẫu đất, nước và sản phẩm trái cây để xét nghiệm lại, không ghi nhật ký nông hộ nữa. Cho đến nay, trên địa bàn xã cũng không có thêm hộ nào và cũng không có thêm diện tích thanh long sản xuất theo quy trình này. 

Còn tại xã Bưng Riềng, mặc dù thanh long của hợp tác xã Hưng Thịnh đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, của 14 hộ, với gần 14ha. Tuy nhiên, đến nay hầu hết bà con của hợp tác xã đã không còn “mặn mà” với hướng sản xuất này. Ông Nguyễn Văn Kính (xã viên hợp tác xã Hưng Thịnh), ngụ ấp 1, xã Bưng Riềng - một trong hộ tham gia trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được cấp giấy chứng nhận, cho biết gia đình ông trồng 4 sào với 450 trụ thanh long ruột trắng và ruột đỏ. 

Qua quá trình chăm sóc và thu hoạch, ông thấy trồng thanh long theo VietGAP cho năng suất cao, ít sâu bệnh hơn, quả đẹp, ngọt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng do không dùng thuốc trừ sâu độc hại. Tuy nhiên, đợt tới ông cũng không còn tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP nữa. Vì theo ông Kính, thanh long trồng theo quy trình an toàn tốn rất nhiều công sức, chi phí của người nông dân, nhưng giá đầu ra của sản phẩm thì không hề hơn những trái thanh long sản xuất truyền thống. 

Theo các hộ trồng thanh long, sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP rất tốn nhiều công sức. Nông dân phải trải qua các đợt tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức. Vườn canh tác phải phân lô, đánh số để quản lý chặt chẽ, sắp xếp vườn trồng khoa học, ngăn nắp. Trong quá trình sản xuất, nông dân phải ghi chép nhật ký cẩn thận từng công đoạn, thường xuyên làm vệ sinh vườn, bón phân, phun thuốc đúng liều lượng, đúng quy trình... Thực tế cho thấy, chi phí đầu tư, công sức bỏ ra rất lớn nhưng thanh long VietGAP chưa có thị trường. Sau khi thu hoạch, sản phẩm sạch bán ra cũng như thanh long bình thường. Chính điều này đã làm cho người trồng thanh long nản chí. 

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới có 14ha trồng thanh long được chứng nhận VietGAP, trước những khó khăn về giá cả, việc mở rộng diện tích thanh long sản xuất theo quy trình VietGAP trên địa bàn tỉnh thời điểm hiện nay là không thể. Nhiều hộ trồng thanh long cũng kiến nghị, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nên tiến hành xây dựng thương hiệu trái thanh long của tỉnh, để tránh tình trạng phải phụ thuộc vào thị trường Bình Thuận, giá cả lại không ổn định. 

Theo ông Trần Quang Hải, Giám đốc hợp tác xã Hưng Thịnh, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, hầu hết bà con xã viên của hợp tác xã đều nản với sản xuất theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, Ban điều hành hợp tác xã vẫn đi trước đón đầu đó là trang bị kiến thức, hướng dẫn quy trình sản xuất trái thanh long an toàn cho bà con xã viên, để khi có thị trường, có khách hàng lớn đặt hàng, bà con sẽ lại quay lại sản xuất theo quy trình VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của VietGAP đề ra, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, cung cấp cho khách hàng lớn những trái thanh long an toàn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục