Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Vu Lan - Rằm tháng 7

10:38' - 05/08/2024
BNEWS Ngày lễ Vu Lan đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp để tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu với ông bà, tổ tiên...

Vu Lan giờ đây không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu người con Việt.

Nguồn gốc ngày lễ Vu Lan

Xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói), Vu Lan đã trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ về ân đức sinh thành dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, tổ tiên, nhắc nhớ mỗi người con hãy sống có hiếu hơn, đạo đức hơn nữa để đáp đền tình thương bao la rộng lớn của cha mẹ - những người đã hy sinh cả cuộc đời, cả tâm hồn và thể xác cho con.

Ngày lễ Vu Lan đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp để tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất, để cầu siêu cho các Anh hùng Liệt sỹ, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

Hiếu hạnh là vấn đề quan trọng được đức Phật quan tâm và đề cao. Giá trị cốt lõi của Phật giáo là giá trị nhân văn, đạo đức, hướng con người tới sống từ, bi, hỷ, xả, coi trọng đạo hiếu...

Giáo lý nhà Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “Hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “Muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”. Đó là những giá trị tích cực, thiết thực, góp phần giáo dục đạo đức con người nói chung và giới trẻ nói riêng.

 

Lễ Vu Lan tại một số nước ở châu Á

Lễ Vu Lan thường tổ chức vào dịp ngày Rằm tháng 7 hằng năm, nhưng ở mỗi quốc gia ở châu Á lại mang những nét đặc trưng riêng biệt.

- Tại Nhật Bản: Người Nhật cũng có lễ Obon báo hiếu, thường diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Trong dịp này, hầu hết những người ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà hoặc đi viếng mộ người thân. Obon mang nghĩa “Ngày của người chết”.

Đây là một phong tục truyền thống của Phật tử người Nhật, được tổ chức để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Sự kiện quan trọng nhất trong ngày này là việc dâng lửa để soi đường cho linh hồn, với 5 đám lửa được sắp xếp theo chữ Hán, đốt trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong một giờ đồng hồ.

Trong khi dâng lửa, cả những người tham gia đốt lửa và những người đi xem đều gửi những lời cầu nguyện đến tổ tiên qua ánh sáng của ngọn lửa. Đây là cách người Nhật báo hiếu với tổ tiên và cũng là một trong những lễ hội thu hút đông đảo khách du lịch trên thế giới.

Vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon, người dân Nhật Bản còn đem lồng đèn đến thả ở các sông, hồ, bờ biển như một cách để tiễn đưa linh hồn của người quá cố về với thế giới của họ.

- Tại Hàn Quốc: Với người Hàn Quốc, dịp Lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào Rằm tháng 7 là dịp để mọi người thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân, cùng cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại có thêm phúc thọ, cha mẹ, ông bà quá cố được siêu thoát.

Tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà người Hàn Quốc có những cách báo hiếu khác nhau, từ việc làm nhỏ như tự tay chuẩn bị những tấm thiệp tình cảm hay tặng món quà đắt tiền... Tất cả đều như một lời cảm ơn chân thành dành cho người nhận.

- Tại Malaysia: Đại lễ Vu Lan còn gọi là ngày tổ tiên hay lễ hội tháng Bảy. Ngoài những việc thể hiện tinh thần hiếu đạo như thăm viếng mộ người thân, tảo mộ, dâng cúng vật phẩm, người Malaysia còn tổ chức hiều hoạt động văn hóa, tôn giáo mang màu sắc riêng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục