Nguồn nước Nhà máy Mỳ Phương Hoa không đảm bảo vệ sinh khiến nhiều hộ dân bị ảnh hưởng

07:55' - 20/08/2017
BNEWS Việc xử lý nguồn bã mỳ tươi trước đó chưa triệt để, vẫn còn tồn dư một lượng lớn được san lấp lẫn trong bùn đất khiến mùi hôi thối bốc lên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Nguồn nước Nhà máy Mỳ Phương Hoa không đảm bảo vệ sinh khiến nhiều hộ dân bị ảnh hưởng .Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian gần đây, các hộ dân bị ảnh hưởng từ việc tập kết bã mỳ tươi chưa qua xử lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phương Hoa (gọi tắt là Nhà máy Mỳ Phương Hoa) ở thôn Đăk Sút, xã Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, phản ánh về việc nguồn nước sinh hoạt do phía nhà máy cung cấp không đảm bảo vệ sinh, lúc có, lúc không khiến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh đó, việc xử lý nguồn bã mỳ tươi trước đó chưa triệt để, vẫn còn tồn dư một lượng lớn được san lấp lẫn trong bùn đất khiến mùi hôi thối bốc lên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Là một hộ chịu ảnh hưởng nặng nề từ nguồn bã mỳ tươi của Nhà máy Mỳ Phương Hoa, sau khi giếng nước sinh hoạt không thể sử dụng được, hàng ngày gia đình anh A Lương (thôn Đăk Sút, xã Kroong, huyện Đăk Glei) phụ thuộc hoàn toàn từ nguồn nước của Nhà máy Mỳ Phương Hoa cung cấp.

Tuy nhiên, việc nguồn nước này lúc có, lúc không và nhiều lúc có mùi hôi khiến gia đình anh rất lo khi sử dụng. Để đảm bảo sức khỏe, nhu cầu sử dụng nước sạch hàng ngày của gia đình, anh A Lương phải lên nhà mẹ cách hơn 1km để chở từng can nước về dùng.

Cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc tập kết bã mỳ chưa qua xử lý của Nhà máy Mỳ Phương Hoa, gia đình anh Phạm Đức Bền (thôn Đăk Sút, xã Kroong, huyện Đăk Glei) cũng phải sử dụng nguồn nước cung cấp từ nhà máy. Tuy nhiên, cùng chung tình trạng như các hộ dân được hỗ trợ lắp đặt đường ống nước, nguồn nước do phía nhà máy cung cấp lúc có, lúc không, nhất là vào khung giờ từ 16-18 giờ hàng ngày.

Bên cạnh đó, các bồn nước của hộ sau thời gian sử dụng nguồn nước nhiễm chất thải của phía nhà máy đã bị rỉ sét, bám bẩn, có mùi hôi. Điều này đã khiến nhiều gia đình dùng nguồn nước từ phía nhà máy không tin tưởng để sử dụng vào việc ăn uống.

Anh Phạm Đức Bền cho biết: "Từ khi gây ô nhiễm nguồn nước giếng, Nhà máy đã cung cấp nước cho gia đình chúng tôi sử dụng. Thế nhưng bồn nước bị sét, rỉ chúng tôi đã kiến nghị nhưng nhà máy không thay. Vì vậy chúng tôi chỉ sử dụng nguồn nước này cho việc giặt giũ, vệ sinh. Còn nguồn nước ăn uống phải sử dụng nước bình, trung bình mỗi tháng phải chi phí từ 3- 6 triệu đồng mua nước để ăn, uống".

Trao đổi về vấn đề nguồn nước cung cấp của nhà máy không đảm bảo cho người dân bị ảnh hưởng sử dụng, ông Phan Đăng Thảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Hoa phân trần: Nhà máy có 100 công nhân cộng thêm 4 hộ dân, đều sử dụng đường nước chung. Các hộ này sử dụng nguồn nước cuối đường ống rõ ràng sẽ ít nước hơn. Nhà máy không thể lắp riêng một đường ống nước cho các hộ được.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ việc tập kết bã mỳ tươi chưa qua xử lý của Nhà máy Mỳ Phương Hoa đã làm giếng nước của 9 hộ của thôn Đăk Sút, xã Kroong, huyện Đăk Glei bị ảnh hưởng. Trước sự việc trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã lập biên bản và xử phạt nhà máy 20 triệu đồng và yêu cầu phía nhà máy lắp đặt đường ống và bồn nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4 hộ được lắp đặt đường ống và bồn nước, còn lại 5 hộ thì được phía công ty hỗ trợ 3 triệu đồng/năm với cam kết sẽ không khiếu kiện, khiếu nại về vấn đề nguồn nước sinh hoạt đối với Nhà máy Mỳ Phương Hoa và tạo mọi điều kiện thuận lợi để công ty phát triển sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục