Nguồn phân bón đủ cung ứng cho nhu cầu của nông dân Bến Tre

07:00' - 21/03/2021
BNEWS Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng “sốt hàng” khi giá phân bón tăng cao trong thời gian gần đây.

Do thời điểm này, Bến Tre đang bước vào mùa khô, nguồn nước tưới ở nhiều địa phương đã bị nhiễm mặn nên người dân không bón phân cho cây trồng và không xuống giống lúa vụ 3 nên nhu cầu sử dụng phân bón không cao. 

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bến Tre Nguyễn Văn Phúc, theo đánh giá của các nhà phân phối, các công ty sản xuất cung ứng phân bón trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân giá phân bón tăng là do giá nhiên liệu tăng dẫn đến chi phí sản xuất, vận chuyển tăng. Mặc dù, giá phân bón tăng nhưng theo khảo sát của Cục Quản lý thị trường Bến Tre, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá phân để trục lợi. Qua khảo sát từ các công ty, đại lý phân phối thì nguồn hàng phân bón bán lẻ đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù, mùa này không sử dụng phân để bón cho cây trồng vì không đủ nguồn nước tưới nhưng người dân Bến Tre rất lo lắng vì giá phân bón tăng cao. Bởi đến đầu mùa mưa, người dân trong tỉnh sẽ tập trung chăm sóc cây trồng, nếu giá phân bón không giảm, nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Trần Thị Kim Dung, xã Phước Thạnh (huyện Châu Thành) cho biết bưởi da xanh và cây dừa là hai loại cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, giá bưởi da xanh ở Bến Tre giảm sâu; diện tích vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn chồng thêm khó khăn khi từ đầu năm 2021, giá một số loại phân bón tăng cao, trong khi giá nông sản giảm sâu.

“Gia đình tôi có vườn bưởi da xanh 6.000m2 đang giai đoạn cho trái. Từ trước Tết đến nay, bán được hai đợt bưởi, thu được khoảng 5 triệu đồng nhưng tiền mua phân đã gấp đôi tiền bán bưởi”, bà Dung than thở.

Theo ông Hồ Văn Đấu, xã Phước Thạnh (huyện Châu Thành), hàng năm đến đầu vụ, giá phân đều có tăng nhưng chỉ khoảng từ 5.000 đồng – 10.000 đồng/bao 50kg nhưng năm nay giá phân tăng quá cao. Như bao phân đạm Phú Mỹ trước tết còn giá 336.000 đồng nay tăng trên 500.000 đồng. Giá phân tăng như vậy trong khi giá bưởi trồng rớt "thê thảm" nên nông dân chỉ có lỗ. "Ai làm đủ vốn là xem như may mắn lắm rồi", ông Đấu nói.

Khoảng ba tháng nay, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ đại lý phân bón ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành không nhập phân về vì các công ty đều báo giá phân tăng rất cao. Hiện nay, ở địa phương nhu cầu sử dụng phân của bà con rất ít vì hiện nguồn nước của địa phương đã bị nhiễm mặn, bà con không thể tưới nước nên không bón phân cho cây. Hiện nay, giá bán các loại phân ở đại lý vẫn giá cũ, không tăng.

Trong khi đó, ở huyện Chợ Lách – địa phương chưa bị tác động bởi nước mặn, nhà vườn vẫn duy trì sử dụng nguồn phân bón để sản xuất cây giống, hoa kiểng. Tuy nhiên, các hộ trồng chôm chôm, sầu riêng thì hạn chế bón phân vì giá phân tăng cao mà cây thì chưa cho trái lại sau ảnh hưởng nặng nề từ đợt hạn mặn 2019 – 2020.

Theo chị Võ Hiếu Tâm, đại lý phân bón xã Sơn Định, huyện Chợ Lách vì giá phân cao nên dù nhà vườn vẫn có nhu cầu mua phân nhưng sức mua rất chậm, ví dụ, thay vì mua hai bao phân thì giờ họ chỉ mua một bao.

Chị Tâm cũng cho biết, một số loại phân có độ đạm tăng giá cao hơn so với cuối năm 2020 nhưng đại lý vẫn nhập phân, một số loại phân tăng cao nhập về khó bán nên đại lý không nhập như Ure Cà Mau, Ure Phú Mỹ, DAP Trung Quốc,...

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón được phân phối tại các cửa hàng, đại lý ở Bến Tre tăng khoảng 30 – 40% so với cùng kỳ năm 2020, những loại phân tăng giá cao như phân DAP, Ure, đạm,…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục