Nguồn tiền tiết kiệm khổng lồ trong đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến kinh tế Canada

14:27' - 17/05/2022
BNEWS Nhiều người Canada đã tích lũy được số tiền tiết kiệm lớn trong đại dịch COVID-19.

Tổng số tiền trên toàn quốc là một con số khổng lồ mà một số ngân hàng lớn của Canada ước tính ở mức khoảng 300 tỷ CAD (231,51 tỷ USD).

Số tiền này đi kèm với những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế Canada. Phó Thủ tướng Canada, bà Chrystia Freeland, từng nhận định nguồn tiền tiết kiệm là một biện pháp kích thích để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của đất nước.

Các ngành dịch vụ gặp khó khăn trong đại dịch, chẳng hạn như du lịch và nhà hàng, đang kỳ vọng doanh thu sẽ tăng vọt trong mùa Hè này.

 

Nhưng có sự khác biệt rõ giữa các khoản tiết kiệm dôi dư và lượng tiền mặt sẵn có. Người dân đã dành phần lớn tiền tiết kiệm của mình cho các mục đích khác nhau như: giảm các khoản nợ không thế chấp, mua bất động sản, đầu tư chứng khoán...Và con số 300 tỷ CAD đề cập ở trên chưa tính đến các hoạt động đầu tư  này.

Tỷ lệ tiết kiệm của Canada đã giảm trong nhiều thập kỷ và vào năm 2018, mức tiết kiệm của mỗi hộ gia đình trung bình chỉ đạt 500 CAD, so với mức khoảng 3.700 CAD vào năm 2013. Sau đó, đại dịch COVID-19 ập đến. Thu nhập khả dụng tăng vọt khi hỗ trợ tài chính từ chính phủ liên bang vượt quá mức lương bị mất, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng giảm đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế đóng cửa. Hai yếu tố đó kết hợp lại đã đưa tiết kiệm lên cao ngất ngưởng. Trong năm 2020 và 2021, tổng tiết kiệm ròng của hộ gia đình đạt khoảng 363 tỷ CAD.

Hầu hết người dân Canada đều bị đẩy vào kế hoạch tiết kiệm bắt buộc. Trong một loạt nhóm nhân khẩu học - người trẻ và người cao tuổi, người thuê nhà và chủ nhà, người có mức lương thấp hay mức lương cao - mức tiết kiệm ròng đều được cải thiện.

Nhưng cũng giống như rất nhiều khía cạnh của đại dịch, "chiến lợi phẩm" không được chia đều. Trong số các khoản tiết kiệm dôi dư, khoảng 31% dồn về 20% hộ gia đình có mức thu nhập cao nhất.

Có một nghịch lý trong số tiền tiết kiệm mà người Canada đã tích lũy được. Một mặt, chúng có thể hỗ trợ chi tiêu khi giá tiêu dùng và chi phí đi vay tăng. Mặt khác, tiền thừa trong tài khoản ngân hàng có thể làm tăng lạm phát, buộc Ngân hàng trung ương Canada (BoC) phải hành động mạnh mẽ hơn.

Điều này đặt BoC vào thế khó. BoC cần tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái khi lãi suất tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng chi tiêu quá nhiều - đặc biệt là vào hàng hóa lâu bền - có thể khiến việc kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn hơn.

Trong một môi trường lạm phát cao và lãi suất gia tăng, các hộ gia đình có thu nhập thấp đặc biệt dễ bị tổn thương. Phần lớn ngân sách của họ được dành cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Và những hộ gia đình này phải đối mặt với việc trả nợ nhiều hơn khi tính theo tỷ lệ thu nhập khả dụng.

Tăng trưởng tiết kiệm mới chỉ là một nửa câu chuyện. Nợ hộ gia đình tăng vọt trong đại dịch. Người Canada đã sử dụng tiền tiết kiệm để trả bớt nợ trong thẻ tín dụng. Nhưng người dân cũng tập trung vào bất động sản và tăng gấp đôi số nợ thế chấp vào năm 2021, so với mức nợ năm 2019. Vào cuối năm 2021, người Canada nợ kỷ lục 1,86 CAD tính trên 1 CAD thu nhập khả dụng.

BoC đã bắt tay vào việc thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, đưa lãi suất chủ chốt lên 1%. Hiện tại, các điều kiện vay vốn được thắt chặt hơn đã khiến thị trường nhà đất chững lại, với doanh số bán sụt giảm mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục