Nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất lớn

15:29' - 10/07/2018
BNEWS Dù có chuyển biến trong công tác phòng cháy chữa cháy nhưng nguy cơ cháy, nổ trên toàn địa bàn thành phố còn rất lớn.
 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

Ngày 10/7, tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/ 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: Dù có chuyển biến trong công tác phòng cháy chữa cháy nhưng nguy cơ cháy, nổ trên toàn địa bàn thành phố còn rất lớn.

Nguyên nhân có nhiều nhưng quan trọng nhất là trách nhiệm của cấp quản lý, của người đứng đầu các đơn vị. Tất cả các vụ cháy đều có trách nhiệm quản lý nhà nước.

Hội nghị tập trung vào 3 vấn đề liên quan chặt chẽ tới đời sống dân sinh trên địa bàn bao gồm: công tác phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác cấp nước sạch và công tác đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Trong đó, công tác phòng cháy, chữa cháy được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế sát với thực tiễn.

Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho rằng công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Qua điều tra cơ bản, tính đến tháng 6/2018, thành phố có gần 500.000 nhà liền kề dạng ống, 8.234 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.

Đáng chú ý, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 (từ 16/12/2017 đến 15/5/2018), trên địa bàn thành phố xảy ra 411 vụ cháy và 2 vụ nổ (trong đó có 2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 55 vụ cháy trung bình, 336 vụ cháy nhỏ, 5 vụ cháy rừng), làm 4 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8 ha rừng. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ được 80 người, trong đó có 19 người bị thương và tìm được 12 thi thể.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định thẳng thắn chỉ rõ một số nguyên nhân dẫn đến tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp. Đó là nhận thức về trách nhiệm của một số đơn vị, cơ sở còn chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ý thức của một bộ phận người dân về công tác này còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, hạ tầng xã hội, giao thông, nguồn nước... còn không ít tồn tại, vướng mắc, bất cập. Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng nhìn nhận là trên địa bàn thành phố tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất nguy hiểm. Do vậy, Giám đốc Công an thành Hà Nội đề nghị, trước hết ngay tại trụ sở các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy. Cùng đó, chế tài xử lý, xử phạt phải nghiêm khắc hơn, công tác kiểm tra xử lý sai phạm phải kiên quyết và dứt khoát hơn.

Chẳng hạn qua kiểm tra các công trình xây dựng nếu phát hiện không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy hay các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy chưa đảm bảo thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước… Lực lượng cơ sở về phòng cháy dù đã được coi trọng nhưng còn rất yếu.

Qua kiểm tra tại nhiều cơ sở, dù có đặt bình chữa cháy nhưng người được giao phụ trách chữa cháy tại cơ sở còn loay hoay không biết cách sử dụng. Đây là khâu yếu nhất cần được tập trung khắc phục.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cũng nêu vấn đề theo quy định, các tòa nhà phải đầu tư đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy mới được đưa dân vào ở. Một số cơ sở kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm phòng cháy chữa cháy.

Đặc biệt, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp chưa cao, còn coi phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Trước những vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hiện nay, đối với các chủ đầu tư công trình vi phạm các quy định phòng cháy chữa cháy chưa khắc phục sẽ không đuợc cấp phép dự án mới cho đến khi khắc phục xong.

Điều này đã tác động đến quá trình, tiến độ khắc phục của các chủ đầu tư vi phạm. Về công tác cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt trong mùa mưa bão, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị lãnh đạo các quận huyện kiểm tra, rà soát công cụ, vật tư phục vụ cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra lại các phương án, kế hoạch để khi họp phân công công việc, triển khai theo đúng phương án, hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho người dân.

Sau các ý kiến thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu về vấn đề cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ cao, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: Trên địa bàn thành phố xảy ra khoảng 800 vụ cháy mỗi năm mà chưa có chiều hướng giảm, trong khi công tác phòng cháy, chữa cháy ở các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình chưa được quan tâm đúng mức; công tác thực hiện phương châm “4 tại chỗ” có nơi chưa làm tốt.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Từng cơ quan, đơn vị đến hộ gia đình phải xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy, xác định rõ những nguy cơ dễ phát sinh cháy nổ để có phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Đối với khu tập trung đông người đã có phương án phòng cháy, chữa cháy phải phổ biến rộng rãi cho người dân. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở để thực hiện tốt hơn phương châm “4 tại chỗ”. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những công trình nhà cao tầng phải được kiểm tra ngay từ đầu, đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy mới được cho dân vào ở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục