Nguy cơ đối với dự thảo cải cách thuế của Tổng thống Trump

05:30' - 19/10/2017
BNEWS Báo Độc lập (Nga) có bài viết cho biết mâu thuẫn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các cộng sự của ông trong đảng Cộng hòa có nguy cơ khiến cho sáng kiến lập pháp của Nhà Trắng thất bại.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker trong một cuộc họp tại Washington. Ảnh: AFP/TTXVN

Thượng nghị sỹ Bob Corker nói rằng ông sẽ không bỏ phiếu thông qua dự thảo cải cách thuế. Theo các chuyên gia Mỹ, rất có thể sẽ còn nhiều thành viên khác trong đảng Cộng hòa cũng sẽ thay đổi quan điểm giống như Corker.

Tổng thống Donald Trump đã liên tục cáo buộc Corker vì những “ảnh hưởng tiêu cực” đến đảng Cộng hòa. Hồi tuần trước, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố Corker đã “cầu xin” ủng hộ ông ở bang của ông ta và khi nhận được sự từ chối thì đã quyết định không tái tranh cử.

Về phần mình, Thượng nghị sỹ Corker đã phủ nhận những tuyên bố nêu trên. Trên trang Twitter của mình, Corker viết Nhà Trắng đã biến thành một “viện dưỡng lão, nơi mà ai đó đã bỏ lỡ sự thay đổi của mình”.

Khi trả lời phỏng vấn tờ The New York Times hồi cuối tuần qua, Corker đã tuyên bố rằng ông Trump đang điều hành nước Mỹ như trong một chương trình truyền hình thực tế và các hành động của ông Trump có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ đã quyết định không tham gia bất kỳ cuộc xung đột nào.

Tờ Washington Post trích dẫn lời của người đứng đầu đa số phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell: “Corker là một đại diện rất có giá trị của đảng Cộng hoà ở Thượng viện. Ông ta cũng là thành viên của Ủy ban Hạ viện về các vấn đề ngân sách, chính vì vậy ông ta là một nhân tố quan trọng trong bối cảnh thảo luận về cải cách thuế”.

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Corker cho biết ông sẽ không ủng hộ kế hoạch thuế do các cộng sự của ông thúc đẩy nếu điều đó dẫn đến sự gia tăng thâm hụt ngân sách. Đảng Cộng hòa hiện có 52 ghế trong Thượng viện gồm 100 ghế.

Chính vì vậy, với việc chỉ cần 3 đại diện của đảng này từ chối là đủ làm thất bại sáng kiến lập pháp này. Trong trường hợp ý kiến của các nhà lập pháp ở Thượng viện về bất kỳ vấn đề nào đó là 50/50 thì lúc đó Phó Tổng thống Mike Pence có quyền quyết định cuối cùng.

Khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Reuters, Stephen Moore - nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm phân tích rủi ro thuộc Quỹ Heritage, người đã giúp ông Trump viết dự thảo cải cách thuế - nói: “Cán cân sức mạnh đang rất lung lay.

Cuối cùng, tất cả đều hoài nghi rằng liệu cải cách thuế có được 50 thượng nghị sỹ ủng hộ hay không. Theo tính toán của tôi, hiện mới chỉ có 48 phiếu ủng hộ. Như vậy là chúng tôi sẽ không đủ số phiếu cần thiết”.

Những mối quan hệ đang xấu đi với các nhà lập pháp đang gây rắc rối cho D. Trump. Ông Trump đã thất bại trong việc thông qua dự thảo luật để bãi bỏ chương trình y tế Obamacare sau khi 3 Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa phản đối sáng kiến này, trong đó có John McCain.

Ông Trump cũng không thể ngăn cản được việc Quốc hội thông qua luật về mở rộng các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga, đồng thời cũng hạn chế quyền của Tổng thống trong việc gỡ bỏ các biện pháp cấm vận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 16/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Báo Độc lập, cải cách thuế của D. Trump nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm chi phí từ các công ty và cá nhân. Trong số đó, các sáng kiến then chốt gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%, bãi bỏ thuế thừa kế bất động sản, mở rộng trợ cấp thuế cho các gia đình có trẻ em và lập biểu thuế đặc biệt cho lợi nhuận của các công ty quốc tế.

Những sáng kiến này có nguy cơ làm tăng thâm hụt ngân sách lên tới khoảng 90 tỷ USD. Trong 10 năm tới, kho bạc Mỹ có thể sẽ mất tới 3,1 nghìn tỷ USD.

Những nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng đề xuất giảm thuế của ông Trump sẽ giúp ích cho nhiều công dân Mỹ giàu có. Điều này đặc biệt được nêu trong báo cáo của Trung tâm Chính sách thuế thuộc Viện Brooklyn soạn thảo.

Theo báo cáo này, 1% dân số giàu nhất có thể sẽ tăng thu nhập của họ lên 8,5%, trong khi thu nhập của 95% dân số không thuộc tầng lớp giàu có sẽ chỉ tăng khoảng 0,5-1,2%. Những số liệu này khiến cho các đề xuất của D. Trump dễ bị đảng Dân chủ và giới truyền thông đả kích.

Chuyên gia kinh tế thuộc Công ty Nomura Lyuis Aleksandr cho biết cải cách thuế của D. Trump sẽ được thông qua tại Quốc hội, nhưng nó sẽ diễn ra không sớm hơn năm 2018.

Các đề xuất của D. Trump đã gây ra sự chia rẽ trong giới chuyên gia. Nhà kinh tế thuộc nhóm ủng hộ cải cách thuế - cựu Cố vấn của Tổng thống Ronald Reagan Anthony Laffer - cho rằng giảm gánh nặng thuế cho kinh doanh sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới.

Các nhà phân tích khác lại không đồng ý với sự lạc quan của chuyên gia Laffer. Gregory Mankew - Giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Harvard, cựu Cố vấn của Tổng thống George Bush - nhận định quyết định của ông Trump về giảm thuế sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và không phải là sáng kiến tốt nhất.

Thứ nhất, ông Mankew cho rằng hiện nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tốt hơn nhiều so với thời kỳ của Tổng thống Reagan. Do đó, ông hoài nghi về việc liệu cắt giảm thuế có kích thích nền kinh tế hay không. Ông Mankew viết trên tờ The New York Times: “Trong năm qua, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 5% xuống còn 4,3% và thị trường chứng khoán tăng 20%”.

Thứ hai, ông Mankew khẳng định rằng sự tăng thâm hụt ngân sách có thể ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động, vốn đang ở mức thấp. Ông Mankew nhận định: “Sự gia tăng thâm hụt ngân sách sẽ đẩy nhanh tốc độ hoạt động của Hệ thống dự trữ Liên bang. Điều đó sẽ làm chậm đầu tư vào tài sản cố định, có nguy cơ làm giảm năng suất”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục