Nguy cơ mất an toàn giao thông khi người dân cố tình đi vào cao tốc chưa hoàn thành

12:04' - 14/04/2023
BNEWS Các chuyên gia cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao tại các dự án giao thông chưa hoàn thành khi người dân cố tình điều khiển phương tiện đi vào công trường.

Liên quan đến tình trạng một số người dân cố tình điều khiển phương tiện ô tô, xe máy đi vào các dự án cao tốc Bắc – Nam đang thi công, đặc biệt là những dự án chuẩn bị hoàn thành. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao bởi kể cả dự án có xong mặt đường nhưng vẫn còn nhiều hạng mục an toàn giao thông như biển báo, hộ lan, sơn kẻ vạch đường chưa triển khai, đặc biệt là vệ sinh công nghiệp chưa thực hiện…nếu phương tiện cố tình di chuyển sẽ không lường hết được hậu quả có thể xảy ra.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ngày từ đầu năm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã ban hành Chỉ thị 01/CT-BGTVT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ Giao thông Vận tải.

Trong đó, phân định rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể như chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát trong việc bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động trên công trường dự án đang diễn ra.
 
Cụ thể, đối với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải bố trí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm để quản lý công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường và chỉ cho phép nhà thầu triển khai thi công sau khi biện pháp thi công được chấp thuận..  
 
Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải yêu cầu các nhà thầu thi công tổ chức thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức, quản lý công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
 
Trong khi đối với nhà thầu giám sát, phải thường xuyên tăng cường kiểm tra hệ thống quản lý, kiểm soát của nhà thầu thi công về công tác an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, chấn chỉnh kịp thời việc triển khai tại hiện trường của nhà thầu thi công về: bố trí các phương tiện, dụng cụ, thiết bị thi công, phương pháp thi công,... phù hợp với biện pháp thi công được chấp thuận; biện pháp đảm bảo an toàn lao động (biện pháp phòng hộ, dụng cụ bảo hộ lao động, chế độ, thời gian làm việc...); biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (bố trí lực lượng cảnh giới, hướng dẫn, các biển báo, rào chắn, đèn tín hiệu cảnh giới,...) và các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công theo đúng quy định…
 
Đối với nhà thầu thi công được yêu cầu phải lập biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, kế hoạch tổng hợp về an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định, trình tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận trước khi triển khai thi công; phải bố trí cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện công tác quản lý an toàn lao động.
 

Các vị trí công trường có nguy cơ gây mất an toàn đối với người và nhân dân khu vực dự án, nhà thầu phải bố trí rào chắn, bảo vệ, cảnh báo và các biện pháp đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi công.

Về vấn đề người dân di chuyển trên các tuyến cao tốc đang thi công như phản ánh của báo chí tại dự án chuẩn bị đưa vào khai thác như Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây, ông Lê Quyết Tiến khẳng định, trách nhiệm trước tiên thuộc về các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư, Ban quản lý dự án. Các đơn vị này cần tăng cường nhân lực và phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật khi dự án chưa được vào khai thác thì nghiêm cấm những phương tiên không có nhiệm vụ thì không được di chuyển trên tuyến để đảm bảo tuyến đối an toàn giao thông.
 
Tuy nhiên, ông Lê Quyết Tiến thừa nhận, dự án giao thông đang triển khai, đặc biệt là cao tốc thường trải dài qua nhiều địa phương với nhiều đường ngang, lối tắt nên việc rào chắn chỉ có thể ở một số nút giao chính, vì vậy ngoài nỗ lực của chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, từ vấn giám sát và nhà thầu thì ý thức người dân là rất quan trọng. Chẳng hạn như, pháp luật cấm vượt đèn đỏ mà chủ phương tiện vẫn vượt là vi phạm quy định pháp luật và đó chính là ý thức của người dân.
 
Cục trưởng Lê Quyết Tiến nhìn nhận, những dự án giao thông khi chưa đưa vào khai thác tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, ví dụ như công trình cầu chẳng hạn nếu chưa hoàn thành hạng mục lan can, hay khe co giãn nếu người dân cố tình đi vào thì rất dễ tai nạn,  đặc biệt di chuyển vào ban đêm.  Hay như trên tuyến đường kể cả đã hoàn thành thảm bê tông nhựa xong mặt đường nhưng chưa được làm vệ sinh công nghiệp vẫn còn nhiều vật thể sắc nhọn khi phương tiện đi vào có thể gây nổ lớp, lật xe…

Tới đây, ông Lê Quyết Tiến cho biết, ngoài việc nhắc nhở thường xuyên trong các đợt kiểm tra công trường của lãnh đạo Bộ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường chỉ đạo đốc thúc hơn nữa để yêu cầu các đối tượng liên quan nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công các dự án giao thông.
 
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận nơi có hai dự án cao tốc là Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây chuẩn bị đưa vào khai thác dịp 30/4 tới cho biết, đã có văn bản gửi chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long, UBND các huyện có dự án cao tốc đi qua, đề nghị có các giải pháp kiểm soát người dân di chuyển trên hai tuyến cao tốc đang thi công đoạn qua địa bàn tỉnh.
 
Sở Giao thông  Vận tải Bình Thuận cũng đề nghị chủ đầuu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công dự án bổ sung các biển báo công trường đang thi công, rào chắn. Đồng thời đề nghị UBND các huyện có cao tốc đi qua tăng cường tuyên truyền, phổ biến người dân không lái xe vào các tuyến đường bộ cao tốc đang thi công. Việc đi xe vào công trường gây cản trở các phương tiện thi công, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
 
Đại diện các nhà thầu tại hai cao tốc này cho hay, trong quá trình thi công xuất hiện các phương tiện chủ yếu là người dân địa phương tự ý đi vào công trường cao tốc, dù đã có biển báo tại các nút giao trên tuyến nghiêm cấm các phương tiện của người dân di chuyển trên đường cao tốc đang thi công cho đến khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
 
Từ đầu tháng 4 trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã xảy ra hai vụ tại nạn giao thông khiến một người tử vong. Cụ thể chiều 6/4 vừa qua, một người đàn ông điều khiển xe máy đi vào công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang thi công. Khi đang lưu thông trên công trường cao tốc người này bị vướng vào dây điện, ngã xuống đường tử vong.
 
Cũng trên công trường cao tốc này, trưa 7/4, đã xảy ra va chạm giữa xe ben và xe tải cẩu đoạn gần cầu vượt cao tốc ra hướng Hồ Suối Đá, qua huyện Hàm Thuận Bắc. Hậu quả cả hai xe hư hỏng nặng, một đoạn hộ lan bị tông hư hỏng, tài xế bị thương nhẹ.
 
Bộ Giao thông Vận tải cho hay, cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km nằm trọn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km qua Bình Thuận, Đồng Nai. Theo kế hoạch cả hai tuyến cao tốc này sẽ thông xe dịp 30/4 tới./.

.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục