Nguy cơ Quảng Ninh cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ

18:05' - 14/08/2017
BNEWS Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu phải thốt lên như vậy trước thực trạng nhiều ngư dân sử dụng các ngư cụ đánh bắt thủy sản ven bờ mang tính chất hủy diệt.

Ông Hậu nhấn mạnh: Phải cương quyết giữ được ngư trường để người dân có thể mưu sinh lâu dài.

“Nóng” vấn nạn khai thác thủy sản hủy diệt

Ngày 13/8, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vạn Gia (thành phố Móng Cái) phát hiện và bắt giữ 2 tàu cá vỏ gỗ đang có hành vi sử dụng 500 bộ lồng bát quái để khai thác thủy sản trái phép trên biển. Trước đó, ngày 11/8, Công an thị xã Quảng Yên đã tiến hành tuần tra, kiểm soát khu vực Sông Chanh, phát hiện và bắt giữ 3 tàu vỏ gỗ đang có hành vi sử dụng kích điện, khai thác thủy sản trái phép.

3 tàu vỏ gỗ do lực lượng chức năng bắt giữ gồm nhiều tang vật như: kích điện, lồng bát quái, tàu không đăng ký đăng kiểm, do các đối tượng Vũ Văn Thêu, Vũ Văn Hành- trú tại xã Cẩm La, và Dương Văn Khoa, trú tại phường Nam Hòa điều khiển.

Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý chủ phương tiện vi phạm. Ảnh:Nguyễn Hoàng-TTXVN

Đây chỉ là 2 trong nhiều vụ ngư dân sử dụng các ngư cụ đánh bắt thủy sản mang tính tật diệt như kích điện, te điện, lưới lồng bát quát, thuốc nổ mà lực lượng chức năng Quảng Ninh phát hiện trong thời gian gần đây.

Lực lượng tiên phong trong việc đấu tranh chống vấn nạn này là Bộ đội biên phòng Quảng Ninh. Bộ đội biên phòng tỉnh đã xây dựng một kế hoạch chuyên đề riêng “Tuần tra, kiểm soát đấu tranh ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên biển” được triển khai từ 17/2 vừa qua.

Thượng tá Nguyễn Văn Thiềm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết: Trong 7 tháng qua, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã phát hiện 115 vụ với 117 phương tiện đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, xử lý 162 ngư dân vi phạm, phạt hành chính hơn 600 triệu đồng.

Bộ đội biên phòng đã thu giữ và tiêu hủy 120 bộ kích điện, 762 kg dây điện, 42 bộ ắc quy, 10 súng bắn đạn điện tự chế, 280 bộ rọ lồng bát quái cùng nhiều tang vật khác phục vụ cho việc khai thác thủy sản mang tính hủy diệt của các ngư dân đang hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh.

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh thừa nhận: Hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt đã diễn ra từ lâu và ngày càng trở nên phổ biến. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương và lực lượng công an (chủ yếu là cảnh sát giao thông đường thủy) đã gia tăng sự kiểm tra, giám sát và xử lý.

Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết: từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.240 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính trên 5 tỷ đồng. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng xử lý hình sự.

Ngoài việc đánh bắt thủy sản bằng kích điện, te điện và rọ lồng bát quát, ngư dân Quảng Ninh còn có những “món nghề” khác, như giã tôm, vó, chụp kết hợp với ánh sáng, lưới rê, câu, đăng, đáy, chắn đọn, cào hà, cào sò, nghêu, đặt lồng bẫy lưới rê, đánh mìn... Tất cả đều khai thác theo kiểu tận diệt.

Ngư cụ đánh bắt hủy diệt buôn bán tràn lan

Ngày 13/8, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm ngư lưới cụ tại một số điểm kinh doanh thuộc phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên. 

Lực lượng chức năng kiểm tra tang vật thu giữ. Ảnh:Nguyễn Hoàng-TTXVN

Qua kiểm tra cho thấy 3 điểm kinh doanh ngư lưới đều bày bán các sản phẩm khai thác có tính hủy diệt cao, đặc biệt là sản phẩm lồng bát quái; trong đó 1 điểm kinh doanh sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 24 giờ sau, các điểm kinh doanh này đều xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đa phần số hàng hóa trên đều được nhập về từ Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết: do mặt hàng rọ, lồng bát quát không nằm trong danh mục cấm của Chính phủ nên lực lượng chức năng không thể xử lý ngư cụ này khi các cơ sở có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Ngư cụ này chỉ được xử lý khi ngư dân sử dụng không đúng mục đích như khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Vì vậy, Quảng Ninh lúng túng không thể xử lý việc kinh doanh, buôn bán rọ, lồng bát quái tràn lan. Hiện lực lượng quản lý thị trường đã tung lực lượng tập trung xác minh nguồn gốc hàng hóa trên.

Các ngư dân khi bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý đều nhận thức rõ hành vi sử dụng các ngư cụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt là sai trái nhưng vì mưu sinh nên họ bất chấp cố tình vi phạm. Thực tế, việc xử lý hành chính với mức phạt 2 triệu đồng/vụ chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng vi phạm vẫn xảy ra phổ biến và càng lan rộng.

Mong được thí điểm cấm ngư cụ khai thác hủy diệt

Trước thực trạng việc khai thác thủy sản bằng các ngư cụ mang tính hủy diệt khiến nguy cơ nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, tỉnh Quảng Ninh đề xuất Trung ương đưa các phương tiện như rọ lồng bát quát hay các phương tiện đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt vào danh mục cấm kinh doanh, buôn bán, vận chuyển và sử dụng.

Một biện pháp khác, Quảng Ninh mong muốn trở thành tỉnh đầu tiên được thí điểm triển khai mô hình cấm kinh doanh, buôn bán, vận chuyển và sử dụng các ngư cụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không sử dụng các phương tiện đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt với các hộ ngư dân; Xây dựng đường dây nóng để xử lý các vụ việc liên quan đến vấn nạn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt; Tổ chức vận động người dân tố giác các hành vi khai thác thủy sản mang tính hủy diệt…

UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường, hải quan... tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản hủy diệt, cũng như việc kinh doanh, buôn bán các ngư cụ phục vụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nhằm ngăn ngừa từ trên bờ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu nhấn mạnh: Quảng Ninh đang tổ chức đợt cao điểm phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tiếp tay cho việc khai thác thủy sản mang tính hủy diện môi trường nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho muôn đời sau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục