Nguy cơ thiếu hụt nhân lực cấp cao ngành tài chính - ngân hàng

15:24' - 06/08/2019
BNEWS Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, có ngành tài chính - ngân hàng.

Tại hội thảo “Phát triển nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0” do Trường Đại học Hoa Sen phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 6/8 tại Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bồi dưỡng và đào tạo lại để đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành ngân hàng có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới.

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, có ngành tài chính - ngân hàng.

Bài toán mà ngành này đang phải đối mặt chính là việc xây dựng một đội ngũ nhân lực xứng tầm để có thể bắt kịp xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hiện nay.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải chịu áp lực lớn hơn với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đối mặt với nguy cơ “chảy máu” – dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao sang các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, hiện, có trên 97.000 cán bộ, nhân viên làm việc tại các ngân hàng trên địa bàn thành phố; trong đó, có khoảng 10-15% nhân sự cấp cao làm việc tại các hội sở chính, có năng lực, bản lĩnh trình độ cao, dám chịu trách nhiệm và rủi ro…

Tuy nhiên, nhóm nhân sự này hiện đang thiếu rất nhiều. Bên cạnh đó, với xu hướng phát triển ngân hàng số hiện nay, các ngân hàng cũng thiếu hụt nhân sự cho lĩnh vực mới này.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Giám đốc chương trình dự báo nhân lực cho biết, trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải đặc biệt coi trọng trong chiến lược phát triển của ngành tài chính – ngân hàng.

Theo ông Trần Anh Tuấn, đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm hiện nay chỉ đạt yêu cầu 20-25% tại các ngân hàng còn “hổng” cả về kỹ năng thái độ, kỹ năng làm việc, trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và kiến thức chuyên ngành.

Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân sự và các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện.

Khảo sát tại các ngân hàng Việt Nam cho thấy, có 3 vị trí rất khó tuyển dụng hiện nay là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư.

Thực tế nguồn nhân hiện nay của của ngành ngân hàng vẫn trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu.

Đặc biệt, khối kiến thức bổ trợ như công nghệ thông tin, ngoại ngữ còn khá yếu; kiến thức ngành, giao tiếp hạn chế.

Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô trung bình trở xuống thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch.

Thông tin từ ông Trần Anh Tuấn cho thấy, dự báo đến năm 2020-2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm.

Do đó, các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trên thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành này sẽ thiếu trầm trọng.

Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính – ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) tổng số việc làm cần tuyển hàng năm; trong đó, trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc chú trọng đào tạo nhân lực ngành tài chính ngân hàng trong những năm tới là rất quan trọng.

Điều này đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng tốt công nghệ trong đào tạo sinh viên và kết nối tốt hơn với các ngân hàng để sinh viên có cơ hội tiếp cận với hoạt động nghiệp vụ khi còn đi học.

Bên cạnh đó, bản thân sinh viên cũng phải biết trau dồi các kỹ năng mềm để bắt kịp nhu cầu tuyển dụng của các ngân hàng hiện nay…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục