Nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân 2 dự án trọng điểm quốc gia

12:21' - 12/11/2021
BNEWS Sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã tham gia giải trình trước Quốc hội về nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân của 2 dự án trọng điểm quốc gia.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư diễn ra sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã tham gia giải trình trước Quốc hội về nguyên nhân tiến độ giải ngân của dự án Sân bay quốc tế Long Thành hiện đang rất thấp, ba gói đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông chưa thu xếp được vốn và đang ách tắc.

Vướng mắc trong công tác đấu thầu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong hai năm 2020-2021, Bộ Giao thông vận tải xác định công tác triển khai dự án đầu tư, trong đó có những dự án đầu tư trọng điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Đến tháng 9/2021, bình quân giải ngân vốn đầu tư công toàn quốc là 47,8%, trong khi ngành giao thông vận tải có tỷ lệ giải ngân là 61,2%.

Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, với hai dự án trọng điểm quốc gia là Sân bay Quốc tế Long Thành và dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, việc triển khai các hạng mục trong giai đoạn vừa qua còn chậm do nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, với dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tại Nghị quyết 52 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đến cuối năm 2017, dự án được chia thành 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Với 3 dự án đầu tư công, đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải đang bám sát thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội; cuối năm nay, sẽ hoàn thành hai dự án là Cao Bồ-Mai Sơn và Cam Lộ-La Sơn. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2, là cầu dây văng lớn, được Quốc hội cho phép hoàn thành vào năm 2023, đến thời điểm này đã đạt được 70% khối lượng.

Như vậy, 3 dự án đầu tư công sẽ hoàn thành đúng tiến độ với Nghị quyết 52 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyên Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, do gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu và đặc biệt là từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện gây tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế- xã hội, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội chuyển một số dự án theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công để kích cầu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Vào tháng 6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 117 (về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết 52 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020- PV), 3 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông sang đầu tư công và cho phép hoàn thành vào năm 2022.

Đến hiện tại, 3 dự án này đã đạt được tiến độ từ 20% đến 35%. Khó khăn lớn nhất của 3 dự án là vấn đề đất để san lấp mặt bằng.

"Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60 và Nghị quyết 133, khó khăn này mới được giải quyết. Chúng tôi sẽ tập trung tiến độ để hoàn thành 3 dự án này vào cuối năm 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Cũng theo vị trưởng ngành Giao thông vận tải, tháng 2/2021, do tình hình đấu thầu khó khăn, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 1213 chuyển 2 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông sang đầu tư công và cho phép Bộ Giao thông vận tải hoàn thành 2 dự án này vào cuối năm 2023.

Đến thời điểm này, 2 dự án đã được triển khai toàn bộ các gói thầu xây lắp, đạt được tiến độ khoảng 2% đến 5%. Dự kiến, 2 dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

3 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông được đầu tư theo hình thức đối tác công tư đang gặp rất nhiều khó khăn.

Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã làm việc tích cực với các nhà đầu tư; tháng 5/2021 và tháng 7/2021 đã ký hợp đồng với 3 nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo quy định, các nhà đầu tư được thu xếp vốn trong vòng 6 tháng nhưng đến thời điểm này, thời gian không còn nhiều trong khi tình hình thu xếp vốn gặp nhiều khó khăn.

Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành tổ chức một số buổi làm việc để tháo gỡ khó khăn về tín dụng. Các nhà đầu tư cũng đã đề xuất các giải pháp, có thể sẽ huy động thêm nguồn lực của nhà đầu tư khác hoặc các loại hình khác.

"Hiện chúng tôi đang tích cực làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng để ký được hợp đồng tín dụng. Bởi vì không ký hợp đồng tín dụng được thì chúng ta sẽ không thể triển khai dự án. Chúng tôi cũng đã báo cáo của Chính phủ.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo, hàng tháng Phó Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp về dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, trong đó có tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng các nhà đầu tư cũng hết sức quyết tâm, chúng ta cố gắng hoàn thành 3 dự án này theo đúng Nghị quyết 52 của Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi cam kết sẽ làm việc với các nhà đầu tư, đặc biệt với các ngân hàng, để thu xếp nguồn vốn tín dụng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Tăng tốc giải phóng mặt bằng

Liên quan dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi Quốc hội cho chủ trương để Chính phủ phê duyệt, tháng 7/2019, Bộ Giao thông vận tải đã trình dự án lên Chính phủ. Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và cho phép Bộ thuê tư vấn nước ngoài để thẩm định lại toàn bộ dự án. Chính vì thế, dự án này đã phải kéo dài thời gian để tư vấn nước ngoài phản biện.

Đến tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký phê duyệt dự án và chính thức giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư của giai đoạn 1. Đến hiện tại, tiến độ của dự án này tương đối tốt. Việc xây dựng hàng rào khoảng 9 km bao quanh sân bay đã hoàn thành được 75%. Công tác rà phá bom mìn cũng đạt khoảng 75% với toàn bộ khu vực Sân bay Quốc tế Long Thành.

Theo Bộ trưởng, đối với công tác giải phóng mặt bằng, Quốc hội bố trí cho dự án này là hơn 22.000 tỷ đồng, giao cho tỉnh Đồng Nai triển khai từ năm 2018. Đến thời điểm hiện tại, việc giải ngân còn chậm, mới đạt 47%.

Việc chậm giải ngân trong giải phóng mặt bằng Sân bay Quốc tế Long Thành liên quan đến công tác xây dựng các khu tái định cư, quá trình kiểm đếm, xây dựng giá và đặc biệt là thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trưởng ngành Giao thông vận tải cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồng Nai để cố gắng bàn giao toàn bộ mặt bằng để đảm bảo tiến độ của dự án; khẳng định đến thời điểm này, với 1.265ha đã được bàn giao, tiến độ đầu tư của ACV không bị ảnh hưởng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay ACV đang tổ chức đấu thầu và nếu không có gì thay đổi, tháng 3/2022 sẽ tiến hành hàng loạt các gói thầu san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng, đảm bảo tới tháng 12/2025 cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 dự án Sân bay Quốc tế Long Thành./.

>>>Thừa Thiên – Huế giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 65%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục