Nguyên nhân dẫn đến gần 1.800 ha vụ Đông Xuân bị nhiễm lúa cỏ

17:14' - 30/06/2022
BNEWS Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa cỏ xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc từ nhiều năm nay nhưng với mật độ và diện tích nhiễm thấp.

Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2021-2022, diện tích bị nhiễm lúa cỏ đã lên tới 1.799 ha; trong đó nhiễm nặng 453 ha, gây mất trắng 35,2 ha. Nhiều địa phương có diện tích lúa cỏ gây thiệt hại nặng như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam…

 

Ông Nguyễn Quý Dương cho biết, loại lúa này chỉ cho sản phẩm là hạt lép, hạt lửng. Lúa cỏ có thể gây thất thu năng suất từ 10-20%, những diện tích bị nhiễm nặng từ 70-80% gần như không cho năng suất, đồng thời tỷ lệ lây nhiễm càng trầm trọng cho những vụ sau.

Ruộng bị nhiễm nặng rất khó phòng trừ, gây khó khăn trong khâu chế biến để loại bỏ hạt lúa cỏ và làm giảm phẩm chất gạo cũng như giảm giá trị.

Tuy nhiên, lúa cỏ có khả năng sống và lây lan rất nhanh làm thất thu năng suất lúa, giảm chất lượng hạt gạo và rất khó phòng trừ. Lúa cỏ sinh trưởng và phát triển rất mạnh, cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng và ánh sáng với lúa trồng làm giảm năng suất của lúa.

Mặt khác, lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, chín sớm hơn lúa trồng, hạt dễ rụng tạo thành nguồn hạt tồn dư sẵn trong đất canh tác và lây lan sang vụ sau.

Hạt lúa có râu dài hoặc không có râu, hạt có dạng thon dài hoặc bầu dục mầu hạt vàng và vàng sẫm, có dạng hạt có mỏ tím, tỉ lệ lép cao, đặc biệt là rất dễ rụng hạt khi có một cơn gió thoảng qua. Sau khi hạt rụng xuống nếu gặp điều kiện thuận lợi thì nảy mầm luôn.

Nếu gặp điều kiện bất thuận hạt sẽ ngủ nghỉ nhưng vẫn có sức sống cao, duy trì sức nảy mầm trong vài năm do vậy lúa cỏ tồn tại, tích lũy và tăng dần qua các vụ.

Ông Nguyễn Quý Dương cho biết, giai đoạn đầu lúa cỏ rất giống lúa thường, khó phân biệt để phòng trừ mặc dù thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Do đó, khi canh tác bằng hình thức gieo sạ, gieo vãi rất khó phát hiện và tiêu diệt bằng các biện pháp làm cỏ bằng tay.

Đa số lúa cỏ có chiều cao cây lớn hơn lúa thường, trong ruộng lúa nhiễm lúa cỏ thì chỉ sau 40 ngày đã xuất hiện lúa nhiều tầng; khả năng đẻ nhánh kém hơn lúa trồng. Thân mảnh, lá dài và màu vàng hơn lúa trồng.

Trong quá trình canh tác sản xuất, lúa cỏ tồn tại và xâm nhiễm qua các con đường như: vệ sinh đồng ruộng, làm đất không kỹ, theo dòng nước, máy gặt từ vùng bị nhiễm lúa cỏ sang vùng không bị nhiễm lúa cỏ do không vệ sinh máy trước khi xuống gặt... tạo điều kiện cho hạt lúa cỏ tồn tại và xâm nhiễm ở nhiều vùng, nhiều vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, do thời gian chuyển vụ ngắn nên trước khi gieo sạ nông dân chỉ làm đất một lần không áp dụng các biện pháp cày đất, phơi ải đúng yêu cầu kỹ thuật vì thế không xử lý triệt để được tàn dư thực vật của vụ trước; trong đó có hạt lúa cỏ.

Nhằm phân biệt dễ dàng cây lúa cỏ lúc còn non, ông Nguyễn Quý Dương cho biết, chuyển từ phương pháp gieo sạ sang phương thức gieo mạ, cấy lúa bằng tay hay bằng máy hoặc chuyển gieo sạ bằng tay sang sạ hàng.

Vào giai đoạn làm cỏ, những loại cây mọc ngoài hàng lúa trồng sẽ phải nhổ bỏ và tiêu hủy. Mặt khác, trong ruộng lúa cấy nếu luôn giữ được nước sẽ không cho lúa cỏ mọc, lúa cấy phát triển trước cũng hạn chế được lúa cỏ.

“Nếu sản xuất gieo sạ thì rất khó phân biệt được giữa lúa gieo và lúa cỏ. Những diện tích gieo sạ bị nặng hơn và khó phòng trừ hơn”, ông Nguyễn Quý Dương chỉ ra.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Viện Bảo vệ thực vật nghiên cứu các giải pháp phòng chống loại lúa này. Nhưng trước mắt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ sớm ban hành Quy trình tạm thời phòng trừ để ngăn chặn kịp thời lúa cỏ, tránh lây lan ra diện rộng, đặc biệt là những địa phương chưa bị nhiễm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục