Ấn Độ cam kết tiếp tục xuất khẩu lúa mì

09:06' - 28/06/2022
BNEWS Ấn Độ xuất khẩu 1,8 triệu tấn lúa mì sang hàng chục quốc gia gồm cả Bangladesh và Afghanistan, kể từ khi nước này cấm xuất khẩu ngày 13/5.

Hãng tin PTI trích phát biểu của Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ Sudhanshu Pandey cho biết, Ấn Độ xuất khẩu 1,8 triệu tấn lúa mì sang hàng chục quốc gia gồm cả Bangladesh và Afghanistan, kể từ khi nước này cấm xuất khẩu ngày 13/5.

Ông nói, khoảng 33.000 tấn lúa mì hỗ trợ nhân đạo được cung cấp cho Afghanistan so với cam kết 50.000 tấn.

Bộ trưởng Pandey phát biểu tại Hội nghị cấp bộ trưởng “đoàn kết vì an ninh lương thực toàn cầu” được tổ chức tại Đức ngày 24/6, cho biết Ấn Độ luôn xem xét nhu cầu của thế giới, ngay cả khi đáp ứng các nghĩa vụ khó khăn là nuôi sống dân số 1,38 tỷ người dân Ấn Độ.

 

Theo Bộ trưởng Sudhanshu Pandey, điều quan trọng ở đây là giải thích rằng quyết định gần đây của Chính phủ Ấn Độ (GoI) về việc đưa ra các quy định về xuất khẩu lúa mì về cơ bản được thực hiện để bảo vệ nguồn cung trong nước cũng như sự sẵn có cho các quốc gia dễ bị tổn thương, những nơi không thể đảm bảo nguồn cung bởi các lực lượng thị trường.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục với cam kết đáp ứng nhu cầu thực sự của các nước láng giềng và các quốc gia thiếu hụt lương thực thông qua cơ chế chính phủ với chính phủ và cũng để thực hiện các cam kết cung cấp đã được thực hiện.

Sau quy định cho đến ngày 22/6 năm tài chính này, 1,8 triệu tấn lúa mì được vận chuyển, gần gấp 4 lần so với năm trước đến các quốc gia bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Israel, Indonesia, Malaysia, Nepal, Oman, Philippines, Qatar, Hàn Quốc, Sri Lanka, Sudan, Thụy Sỹ, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Arab Saudi (UAE), Việt Nam và Yemen.

Ngày 13/5, Chính phủ Ấn Độ đình chỉ xuất khẩu lúa mì với hiệu lực ngay lập tức. Ấn Độ chuyển việc xuất khẩu tất cả các loại lúa mì, bao gồm cả lúa mì có hàm lượng protein cao, từ “miễn phí” sang danh mục “bị cấm”.

Quyết định này nhằm kiểm soát việc tăng giá lúa mì trên thị trường nội địa. Ông Sudhanshu Pandey cho biết, Ấn Độ xuất khẩu kỷ lục 7 triệu tấn lúa mì trong giai đoạn tài chính 2021-22, trong khi thông thường, nước này xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn, chiếm khoảng 1% thương mại lúa mì toàn cầu.

Ấn Độ ý thức sâu sắc trách nhiệm đối với những người dễ bị tổn thương nhất ở nhiều nơi trên thế giới, Ấn Độ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo, thông qua việc cung cấp vaccine cũng như các chuyến hàng thực phẩm, trong và ngoài đại dịch.

Ví dụ, quốc gia này gửi một số chuyến hàng hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan, bao gồm 33.000 tấn lúa mì trong tổng số 50.000 tấn cam kết do Thủ tướng Modi đưa ra và tiếp tục làm như vậy trong bối cảnh sự tàn phá gây ra bởi trận động đất vài ngày trước.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, Ấn Độ cũng cung cấp viện trợ lương thực dưới dạng lúa mì, gạo, đậu và đậu lăng cho một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Afghanistan, Liban, Myanmar, Zimbabwe và những nước khác, để tăng cường an ninh lương thực.

Trong đại dịch COVID-19, Ấn Độ bắt tay vào xây dựng hệ thống hỗ trợ lương thực lớn nhất thế giới từ trước đến nay cho gần 810 triệu người.

Ông Sudhanshu Pandey còn cho biết Ấn Độ đang thực sự nỗ lực để áp dụng một cách tiếp cận toàn diện cho nông nghiệp và làm cho bền vững hơn, bao gồm thông qua quản lý nước và đất hiệu quả, đồng thời cải thiện sự đa dạng của cây trồng và thực hành sản xuất.

Công nghệ kỹ thuật số hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong việc trao quyền cho nông dân Ấn Độ thông qua đánh giá cây trồng và số hóa hồ sơ đất đai.

Ngoài ra, công nghệ chế biến thực phẩm bền vững đang được áp dụng giảm lượng khí thải carbon tổng thể, bao gồm thông qua việc áp dụng việc sử dụng chất thải, thu hồi tài nguyên và kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục