Nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc

06:30' - 20/03/2019
BNEWS Đối mặt với một loạt thách thức trong kinh tế, Trung Quốc quay trở lại với biện pháp tăng trưởng dựa vào "mở van tín dụng" bất chấp bất ổn tích tụ trong dài hạn, theo nhận định của tờ Foreign Affairs.
Nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Ảnh: TTXVN phát 

Năm 2018 ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất tại Trung Quốc trong gần 3 thập kỷ trở lại đây. Tình hình xấu đi từ mùa Thu. Tốc độ tăng thu nhập chậm lại. Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều công ty hoạt động trong ngành chế tạo đã bắt đầu cắt giảm việc làm. Nhập khẩu giảm, gây tác động tiêu cực đến các nền kinh tế xuất khẩu lớn khác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Sự kết hợp của các yếu tố như già hóa dân số nhanh, tỷ lệ sinh giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Nhưng Bắc Kinh không mạo hiểm để kinh tế rơi vào suy thoái. Chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép tăng trưởng yếu ngay cả khi biện pháp can thiệp chặn đà suy giảm sẽ làm các bất ổn tích tụ trong tương lai. 

Những điểm yếu của kinh tế Trung Quốc cơ bản khởi nguồn từ những quyết định được đưa ra nhiều năm trước, thậm chí trong một số trường hợp là từ nhiều thập kỷ trước.

Trong quá khứ, Trung Quốc được hưởng lợi từ lực lượng lao động trẻ, vốn được xem là nhân tố kích thích tăng trưởng GDP thông qua việc bổ sung nguồn lao động và cũng bởi nhân công trẻ thường có xu hướng đạt năng suất cao hơn so với lớp già.

Nhưng kể từ giữa năm 2012, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm, do hệ quả không thể tránh khỏi từ chính sách dân số một con được thực thi từ năm 1997. Tốc độ tăng trưởng GDP giảm một phần là do sự dịch chuyển nhân chủng học này.

Chi phí lao động tăng cũng là một lý do. Chi phí nhân công tại Trung Quốc hiện ngang bằng hoặc cao hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác, khiến Trung Quốc kém hấp dẫn trước các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong đó, chi phí sinh hoạt đắt đỏ cùng những gánh nặng về hành chính đã khiến dòng người di cư từ nông thôn ra thành thị chững lại. Thu nhập khả dụng ở khu vực nông thôn không hẳn cao nhưng cũng đủ khiến việc đổ tới các thành phố không còn là lựa chọn hợp lý, khi mà giá thuê căn hộ tại thành phố ở mức cao.

Những động lực thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây đang cạn kiệt. Trung Quốc từng dựa vào thặng dư thương mại để tạo ra tăng trưởng, nhưng hiện nay cán cân vãng lai ở mức cân bằng hiệu quả. Đầu tư vào tài sản cố định như các nhà xưởng, máy móc, văn phòng, các tòa chung cư từng là một động lực truyền thống cho tăng trưởng.

Nhưng những khoản đầu tư này đã giảm dần, từ mức 82% GDP trong năm 2016 xuống còn 71% năm 2018 và sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới đây, khi mà trong bốn căn hộ hiện nay ở Trung Quốc có một căn không có người ở, còn các nhà máy sản xuất ô tô chỉ hoạt động ở ngưỡng 50% công suất. 

Một vài khó khăn đến từ nước ngoài. Trong nhiều năm, kinh tế Mỹ và Trung Quốc đi theo một quỹ đạo giống nhau. Nhưng hiện nay lãi suất ở Mỹ tăng cộng với tăng trưởng sụt giảm tại Trung Quốc đe dọa phân tách hai nền kinh tế này.

Lãi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ thời hạn một năm hiện cao hơn chút ít so với các khoản trái phiếu chính phủ Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh giờ không thể trông đợi nguồn vốn từ các nhà đổ tư đổ vào đại lục để tìm kiếm lợi nhuận như thời lãi suất thấp ở Mỹ.

Từ năm 2008, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dựa trên vay nợ. Nay cách thức này cũng chạm một số giới hạn. Nợ quốc gia và nợ hộ gia đình tại Trung Quốc đã ở mức ngang hàng với các nền kinh tế phát triển và nợ đang tăng nhanh hơn GDP danh nghĩa.

Ngưỡng nợ cao khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế mắc nợ lớn. Đa phần không phải là nợ chính phủ, mà là nợ công ty, hộ gia đình, cũng là nhóm đối tượng phải chịu lãi suất cao hơn. Vậy nên chi phí trả nợ hiện nay của Trung Quốc ở mức hơn 20% GDP. So sánh với các nước có cùng mức nợ cao, như Nhật Bản và Mỹ, chi phí trả nợ chỉ ở mức một con số trên tổng GDP.

Khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử cương vị Tổng Bí thư vào tháng 10/2017, Trung Quốc bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng nợ hai năm. Trong năm 2016 và 2017, Bắc Kinh tăng giá các mặt hàng đầu vào, thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực đang phải vật lộn với những khó khăn và mang mức nợ quá lớn.

Ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ hai với cái được gọi là tài chính xã hội tổng thể mới – một biện pháp tính toán về tăng trưởng tín dụng quy mô nhất tại Trung Quốc, với mức tăng trưởng 32%/năm.

Nhưng ông Tập Cận Bình dường như đã nhận ra mối nguy hiểm từ việc tiếp tục tăng trưởng dựa trên bùng nổ tín dụng và thực thi một số biện pháp kiểm soát. Vào cuối năm 2018, mức tăng tín dụng này chỉ còn khoảng 15%. Các nhà điều hành ngân hàng Trung Quốc có thể đã đúng khi muốn kiểm soát tăng trưởng tín dụng, nhưng việc làm này cũng sẽ khiến kinh tế gặp khó. 

Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào các chính sách do chính quyền trung ương đặt ra ở ngưỡng mà rất ít các nền kinh tế khác làm được. Nếu Bắc Kinh tiếp tục kiềm chế tăng trưởng tín dụng, những khó khăn kinh tế có thể sẽ xuất hiện. Nhưng dường như Bắc Kinh đã nới lỏng. "Van tín dụng" đang được mở lại.

Trong tháng 1/2019, tổng mức tài chính xã hội đạt ngưỡng cao nhất trong lịch sử, với 4.600 tỷ NDT (683,50 tỷ USD), tăng 52% so với tháng 1/2018.

Tín dụng trong tháng 1/2019 đã ngang với 24% tổng tín dụng trong cả năm 2018 và tương đương với 5% GDP. Ngay cả khi Trung Quốc tìm cách kiềm chế tín dụng trong phần còn lại của cả năm, mức tăng mạnh của tháng 1/2019 khiến tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ cao hơn năm 2018.

Quyết định của Trung Quốc về tăng cường cho vay không quá bất ngờ. Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc luôn chọn cách "can thiệp" khi nền kinh tế gặp khó khăn, hỗ trợ thị trường chứng khoán, dùng các chương trình hoán đổi trái phiếu khác nhau để đẩy ngân hàng tiếp tục mở "van tín dụng", tung các gói kích thích kinh tế giúp các công ty mở rộng hoạt động xây dựng.

Khi mà tăng trưởng cho vay tăng nhanh hơn so với GDP danh nghĩa, kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng. Bắc Kinh dường như sẵn sàng đánh đổi khoản nợ lớn hơn để có tăng trưởng cao hơn. 

Nhưng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích tiêu dùng đang “đụng phải đá”. Tiền tiết kiệm hộ gia đình trong tương quan với thu nhập tại Trung Quốc nhiều hơn so với các nền kinh tế phát triển, nhất là Mỹ. Xu thế này kìm hãm tiêu dùng.

Một số nghiên cứu cho thấy phải đến thập kỷ tới thì tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc mới có thể trở lại ngưỡng như trước đây. Doanh số các mặt hàng cơ bản khác như điện thoại, hàng tiêu dùng lâu bền đều đang chững lại, khi tăng trưởng thu nhập có xu hướng đi xuống.

Hoạt động kinh tế Trung Quốc có thể không bùng nổ, nhưng sẽ ít có nguy cơ suy giảm lớn một khi tín dụng vẫn giữ tăng mạnh.

Đúng như nhà kinh tế học Michael Pettis đã chỉ ra, GDP của Trung Quốc đã trở thành một đầu ra thay vì một phương pháp tính, với hàm ý chính phủ sẽ làm tất cả những gì cần thiết chỉ để duy trì tốc độ tăng trưởng và vì thế những số liệu công bố không nói lên thực chất "thể trạng" kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng của Trung Quốc có thể không lành mạnh, bền vững, nhưng hầu như không có nguy cơ khựng lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục